Hành vi bạo lực này giúp tắc kè tự bảo vệ mình khỏi nọc độc của bọ cạp.
Một nghiên cứu mới tiết lộ rằng những con tắc kè vốn thường điềm đạm và hiền lành lại trở nên hung dữ, như “hóa điên” khi cố gắng khuất phục bữa ăn là... con bọ cạp.
Khi một con tắc kè vằn miền Tây (tên khoa học: Coleonyx variegatus) cắn bọ cạp, nó liên tục quất đầu từ bên này sang bên kia, đập con bọ cạp xuống đất hết lần này đến lần khác. Tác giả chính Malachi Whitford, người thực hiện nghiên cứu này trong chương trình tiến sĩ sinh thái học tại Đại học Bang San Diego (SDSU), cho biết tắc kè là "loài động vật ít đáng sợ nhất mà bạn từng gặp, nhưng sau khi chúng nhìn thấy một con bọ cạp, chúng như chuyển thành "chế độ berserker"".
Theo nghiên cứu, hành vi bạo lực này có thể giúp tắc kè tự bảo vệ mình khỏi nọc độc của bọ cạp.
Tắc kè sẽ có xu hướng thực hiện hành vi "hóa berserker" cực kỳ hung hăng khi gặp bọ cạp.
Whitford cho biết các loài động vật như chim chẹo đất, cá sấu và một số loài động vật ăn thịt có vú có khả năng vô hiệu hóa chuyển động của con mồi bằng cách rung lắc cơ thể.
Tắc kè vằn miền Tây sống ở những vùng khô cằn của miền Tây Bắc Mỹ và dài khoảng 10 đến 15 cm. Loài bò sát này chủ yếu ăn côn trùng nhưng đôi khi ăn cả bọ cạp cồn cát (Sumbleurus mesaensis).
Đồng tác giả nghiên cứu và giáo sư sinh học tại SDSU, Rulon Clark, lần đầu tiên quan sát thấy tắc kè ăn bọ cạp vào những năm 1990, khi ông còn là trợ lý nghiên cứu làm việc tại một sa mạc gần Yuma, Arizona. Khi các nhà nghiên cứu quyết định xem xét sâu hơn về việc này, họ nhận thấy rõ ràng là tắc kè sẽ có xu hướng thực hiện hành vi "hóa berserker" cực kỳ hung hăng khi gặp bọ cạp.
Sau khi quất mạnh đầu xong, tắc kè sẽ nhanh chóng nuốt chửng bọ cạp, Whitford nói. "Toàn bộ quá trình kết thúc chỉ trong vài giây".
Các nhà khoa học đã quay phim tắc kè khi chúng bắt bọ cạp và con mồi khác ở tốc độ 1.200 khung hình/giây. Họ đã tiến hành 21 cuộc thử nghiệm trong đó 9 con tắc kè được cho ăn bọ cạp và 10 thử nghiệm có 8 con tắc kè ăn con mồi là côn trùng khác. Sử dụng công nghệ theo dõi kỹ thuật số, các nhà khoa học lập bản đồ chuyển động đầu của tắc kè từng khung hình, đo các biến số như vận tốc và gia tốc khi tắc kè đập bọ cạp tới lui hơn chục lần chỉ trong vài giây.
Nghiên cứu cho thấy, những con tắc kè quay đầu và thân của chúng qua lại theo chu kỳ để đập bọ cạp xuống đất. Động tác này có thể giúp tắc kè ăn bọ cạp một cách an toàn hơn. Một khả năng là rung lắc sẽ làm bọ cạp bất động; nhưng chỉ có khoảng 62% bọ cạp bất động sau khi bị quất tứ phía.
Cũng không rõ liệu tắc kè có phát triển khả năng kháng nọc độc của bọ cạp hay không. Theo nghiên cứu, 90% những con tắc kè được cho ăn bọ cạp bị đốt trong khi chạm trán, nhưng có thể việc lắc đầu đập bọ cạp làm giảm mức độ nghiêm trọng của vết đốt hoặc ngăn bọ cạp cung cấp đầy đủ nọc độc. Tất cả sự rung lắc và đập mạnh cũng có thể là một nỗ lực để làm gãy ngòi đốt của bọ cạp.
Các nhà nghiên cứu cho biết: "Với tốc độ và sự bạo lực của quá trình bắt mồi, chúng tôi cho rằng tắc kè đập bọ cạp để gây chấn thương hàng loạt và khiến nó bất động hoặc có khả năng làm gãy ngòi và khiến bọ cạp trở nên vô hại".
"Từ các video của chúng tôi, rõ ràng là những con tắc kè đang đập mạnh bọ cạp vào đất. Tuy nhiên, chúng tôi chưa thể mô tả lực tác động đến bọ cạp", Whitford giải thích. "Lý tưởng nhất, bước tiếp theo sẽ là nghiên cứu hành vi bằng cách sử dụng công nghệ quay phim 3D".