Tại sao cực Bắc dịch chuyển về phía London?

  •  
  • 2.003

Cực Bắc của Trái Đất đang đổi hướng xoay về phía đông, tiến đến kinh tuyến gốc chạy qua Greenwich, London, Anh.

Trục quay của Trái Đất, với vị trí đánh dấu là cực Bắc, đang dịch chuyển ở mức khoảng 10cm một năm trong thế kỷ qua, hướng tới Vịnh Hudson của Canada, dọc theo đường kinh tuyết chạy qua Toronto và thành phố Panama. Sự dịch chuyển này là do khối lượng Trái Đất được tái phân bố khi lớp vỏ chậm rãi nhô lên ở thời điểm kết thúc kỷ Băng Hà cuối cùng, theo New Scientist.

Tuy nhiên, từ năm 2000, trục Trái Đất dịch chuyển 75 độ về phía đông hướng dọc theo đường kinh tuyến gốc Greenwich. Một số bằng chứng cho thấy sự thu nhỏ của lớp băng ở Greenland và Nam Cực do ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu dẫn đến thay đổi bất ngờ này.

Trục Trái Đất đang hướng về phía đường kinh tuyến gốc.
Trục Trái Đất đang hướng về phía đường kinh tuyến gốc. (Hình minh họa: Youtube).

Trong nghiên cứu công bố hôm 8/4 trên tạp chí Science Advances, các nhà khoa học kết luận sự thay đổi của trục Trái Đất còn do tác động của quá trình tái phân bố nước trên bề mặt địa cầu.

"Đây là lần đầu tiên chúng tôi có bằng chứng chắc chắn chỉ ra thay đổi ở phân bố nước bề mặt trên quy mô toàn cầu cũng góp phần đổi hướng trục quay", Surendra Adhikari, nhà nghiên cứu ở Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực thuộc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) ở Pasadena, California, cho biết.

Theo Adhikari, tiểu lục địa Ấn Độ và biển Caspi đang mất đi một lượng nước khổng lồ, đẩy trục Trái Đất về phía đông.

Nghiên cứu sử dụng dữ liệu từ vệ tinh GRACE của NASA nhằm tìm hiểu mối liên hệ giữa khối lượng nước phân bố và hướng chuyển động của trục Trái Đất từ năm 2002 đến 2015. Kết quả cũng làm sáng tỏ lý do trục Trái Đất dao động vài năm một lần. Sự dao động này cũng do thay đổi trong khối lượng nước trên khắp hành tinh, Adhikari cho biết.

"Hiểu biết chính xác về chuyển động ở vùng cực và vòng quay của Trái Đất là yêu cầu bắt buộc đối với nhiều ứng dụng", Florian Seitz ở Viện Nghiên cứu Đo đạc Đức ở Munich, nói. Các ứng dụng bao gồm hệ thống định vị GPS, vị trí vệ tinh và nghiên cứu về biến đổi khí hậu.

Do có ghi chép chính xác về chuyển động của trục Trái Đất từ năm 1899, các nhà khoa học có thể sử dụng dữ liệu đó để lập bản đồ các thay đổi trong quá khứ ở phân bố nước bề mặt một cách chính xác hơn. Cùng với việc xem xét nơi trục Trái Đất đang hướng tới, công trình có thể giúp lập ra những mô hình thời tiết chuẩn xác hơn.

Cập nhật: 11/04/2016 Theo VnExpress
  • 2.003