Tại sao gián sống sót khi thiên thạch xóa sổ khủng long?

  •  
  • 692

Nhờ cấu tạo cơ thể đặc biệt và thức ăn đa dạng, gián vượt qua nhiều thảm họa và điều kiện khắc nghiệt khiến các sinh vật khác tuyệt chủng.

66 triệu năm trước, khi thiên thạch Chicxulub từ ngoài không gian đâm xuống Trái đất, gián cũng hiện diện trên hành tinh xanh. Vụ va chạm gây ra một trận động đất lớn và giới khoa học cho rằng nó cũng kích hoạt các vụ phun trào núi lửa cách địa điểm va chạm hàng nghìn km. Khoảng 3/4 động thực vật trên thế giới bị tiêu diệt, kể cả khủng long, trừ một số loài là tổ tiên của chim ngày nay.


Mô phỏng thảm họa khi thiên thạch Chicxulub lao vào Trái đất 66 triệu năm trước. (Ảnh: Art Disain).

Làm thế nào những con gián chỉ dài vài cm có thể sống sót khi rất nhiều sinh vật mạnh mẽ tuyệt chủng? Nguyên nhân là chúng được trang bị rất tốt để vượt qua một thảm họa thiên thạch, theo Brian Lovett, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Tây Virginia.

Cơ thể của gián rất dẹp và điều này không phải ngẫu nhiên. Côn trùng mình dẹp có thể chui vào những nơi chật hẹp hơn, cho phép chúng ẩn náu ở gần như bất cứ đâu. Khả năng này có thể đã giúp chúng sống sót sau tác động của thiên thạch Chicxulub. Khi thiên thạch đâm xuống, nhiệt độ trên bề mặt Trái đất tăng vọt. Nhiều loài vật không có nơi nào để trốn, nhưng gián có thể trú ẩn trong các khe đất nhỏ, tránh khỏi sức nóng khủng khiếp.

Vụ va chạm thiên thạch cũng gây ra hàng loạt tác động. Một lượng lớn bụi văng lên khiến bầu trời tối đi. Khi Mặt trời bị che khuất, nhiệt độ giảm xuống và thế giới trở nên lạnh giá. Với ít ánh sáng Mặt trời, các loài cây còn tồn tại phải vật lộn để phát triển và nhiều sinh vật khác sống dựa vào chúng sẽ bị đói.

Không giống nhiều loài côn trùng thích ăn một số thực vật nhất định, gián ăn tạp. Chúng ăn hầu hết các loại thức ăn có nguồn gốc từ động thực vật, thậm chí cả chất thải. Khẩu vị đa dạng giúp gián sống sót trong thời kỳ khó khăn sau sự kiện tuyệt chủng Chicxulub và những thảm họa tự nhiên khác.


Một con gián cái thuộc chi Gián nhà (Periplaneta). Ảnh: Colin Butler

Một điểm hữu ích khác là gián đẻ trứng trong những "hộp bảo vệ" nhỏ. Hộp trứng này trông giống như hạt đậu khô và được gọi là oothecae. Oothecae cứng chắc, giúp bảo vệ trứng bên trong khỏi tác động vật lý và những mối đe dọa khác, ví dụ lũ lụt hay hạn hán.

Gián hiện đại là những sinh vật nhỏ bé có thể sống ở gần như bất cứ đâu trên đất liền, từ vùng nhiệt đới nóng bức đến một số nơi lạnh nhất thế giới. Các nhà khoa học ước tính có tới hơn 4.000 loài gián.

Một số ít các loài này thích sống chung với con người và được coi là côn trùng gây hại. Một khi gián xuất hiện trong tòa nhà, rất khó để loại bỏ hoàn toàn chúng và các hộp trứng. Khi lượng lớn gián hiện diện ở những nơi không đảm bảo vệ sinh, chúng có thể làm lây lan bệnh. Mối đe dọa lớn nhất của chúng với sức khỏe con người là những chất gây dị ứng mà chúng tiết ra. Các chất này có thể khiến một số người lên cơn hen suyễn và xuất hiện phản ứng dị ứng.

Gián gây hại rất khó quản lý vì chúng kháng được nhiều loại thuốc diệt côn trùng hóa học và sở hữu những khả năng độc đáo từng giúp tổ tiên chúng sống lâu hơn khủng long. Tuy nhiên, gián cũng mang lại một số giá trị khoa học. Các chuyên gia nghiên cứu gián để hiểu cách di chuyển và cấu tạo cơ thể của chúng, lấy ý tưởng chế tạo những robot tốt hơn.

Cập nhật: 05/04/2022 Theo VnExpress
  • 692