Có điểm đặc biệt của Quân đội Nga là sở hữu cùng lúc nhiều dòng xe tăng khác nhau. Điều này không giống như các quốc gia như Mỹ và phương Tây với chỉ một dòng xe tăng phổ biến như Abrams (Mỹ), Leopard-2 (châu Âu), Leclerc (Pháp)...
Sự đa dạng hóa các dòng xe tăng chiến đấu của Quân đội Nga có nguồn gốc từ truyền thống trang bị của Hồng quân Liên Xô. Nga hiện là quốc gia kế thừa lớn nhất các di sản của Liên Xô, trong đó có cả lĩnh vực quân sự.
Xét về mặt số lượng, sau nhiều thập kỷ Chiến tranh Lạnh, Liên Xô đã xây dựng lực lượng tăng thiết giáp khổng lồ. Theo Tạp chí quân sự We Are The Mighty và Global Firepower, Nga đang niêm cất khoảng 22.000 xe tăng được chế tạo dưới thời Liên Xô. Để so sánh, tổng số lượng xe tăng của các quốc gia NATO và đồng minh vào khoảng 18.000 xe.
Nguồn xe tăng niêm cất lớn dưới thời Liên Xô giúp Quân đội Nga cơ bản chưa có nhu cầu với các dòng xe tăng thế hệ mới.
Tuy nhiên, số lượng xe tăng thực tế Quân đội Nga đang trang bị ước khoảng 5.000 xe. Số lượng còn lại đang được niêm cất và chờ được hiện đại hóa. Theo nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga, nhiều đơn vị xe tăng niêm cất ở trạng thái mới nguyên. Chúng được chuyển trực tiếp từ nhà máy tới các kho niêm cất để chuẩn bị cho kịch bản chiến tranh tổng lực.
Một vấn đề khác ảnh hưởng tới sự đa dạng về các dòng xe tăng có trong trang bị Hồng quân Liên Xô và Nga là do ảnh hưởng của Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Dù kết thúc vào năm 1945, nhưng xu hướng tập trung chế tạo xe tăng đề phòng cho kịch bản chiến tranh vẫn diễn ra nhiều thập kỷ sau đó. Nhiều xí nghiệp, tổ hợp thiết kế tại Liên Xô cùng tham gia vào quá trình này. Có thể lấy ví dụ rõ ràng là Nhà máy cơ khí mang tên Malyshev tại Kharkov (Ukraine) lắp ráp các dòng xe tăng T-54/55, T-62/64 và sau này là phiên bản T-80 sử dụng động cơ diesel, trong khi đó Nhà máy cơ khí Kirov ở Leningrad, nay là Saint Peterburg (Nga) lại phát triển và lắp ráp phiên bản xe tăng T-80 trang bị động cơ turbin khí. Quá trình phát triển xe tăng T-72 được thực hiện tại Uralvagonzavod ở Nizhny Tagil với biến thể hiện đại T-90 sau này. Nhiều đơn vị được giao nhiệm vụ sản xuất các loại xe tăng chuyên biệt khiến lực lượng Tăng thiết giáp Liên Xô có trang bị đa dạng. Truyền thống này sau đó được chuyển sang Quân đội Nga.
Yếu tố đầu tiên liên quan tới vấn đề con người. Rất nhiều chỉ huy, tướng lĩnh của Hồng quân Liên Xô sau Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại có tư duy sử dụng tăng thiết giáp như các mũi tấn công đột kích và rất giàu kinh nghiệm thực chiến với lực lượng tác chiến cơ giới này. Điều này giúp giải thích một phần việc tại sao quá trình phát triển và sản xuất xe tăng tại Liên Xô luôn được ưu tiên hàng đầu.
Yếu tố tiếp theo chính là việc Liên Xô và Nga có chiều dài không gian lãnh thổ rộng lớn (hơn 62.000km thời Liên Xô và Nga là hơn 60.000km), trong đó 1/3 là đất liền. Chính vì thế, quân đội Liên Xô và Nga cần có lực lượng tăng thiết giáp quy mô lớn để bảo vệ lãnh thổ và nhanh chóng triển khai lực lượng quân sự tới các điểm nóng.
Yếu tố tiếp theo chính là do Chiến tranh Lạnh. Trong giai đoạn này, Liên Xô không chỉ sản xuất xe tăng cho Hồng quân, mà còn cung cấp cho nhiều quốc gia khác trên thế giới. Ngoài biến thể nội địa dành cho Hồng quân, Liên Xô còn phải phát triển biến thể xuất khẩu dành cho quân đội nước ngoài. Điều này có thể thấy rõ ở việc Quân đội Nga được trang bị phiên bản T-90A/M, còn phiên bản xuất khẩu là T-90S/SM.
Xe tăng T-90M.
Xe tăng T-14 Armata là một trong những điển hình của tư duy chế tạo xe tăng của Nga với việc sử dụng nền tảng đa dụng chung với nhiều phương tiện chiến đấu khác.
Một điểm đáng chú ý khác dẫn tới sự đa dạng các dòng xe tăng tại Liên Xô và Nga là do sự cạnh tranh thiết kế giữa các tổ hợp thiết kế. Sự cạnh tranh này giúp thiết kế xe tăng liên tục được hoàn thiện để cho ra mắt các sản phẩm ưu thế nhất.
Hiện nay, tư duy phát triển và chế tạo xe tăng của Nga đã có nhiều thay đổi, nhưng di sản từ thời Liên Xô để lại vẫn còn ảnh hưởng rõ nét. Tư duy phát triển xe tăng của Nga đang dần theo xu hướng chung của thế giới với các nền tảng hợp nhất, sử dụng chung nhiều trang bị để giảm sức ép và gánh nặng hậu cần. Điều này có thể thấy rõ qua việc xe tăng T-90 được phát triển cơ bản trên nền tảng T-72, T-80 hay xe tăng T-14 Armata dù mang nhiều công nghệ đột phá, nhưng vẫn ứng dụng nhiều công nghệ đã hình thành và tạo ra thương hiệu của xe tăng Nga. Kể cả trong các gói nâng cấp như T-72B3 hay T-80BVM, xe tăng nâng cấp đều được hướng vào việc sử dụng chung nhiều trang bị với nhau để giảm chi phí chế tạo và hậu cần.