Tại sao trong thế giới động vật, những con cái rất ít khi đánh ghen vì con đực?

  •  
  • 1.285

Khi Darwin đưa ra khái niệm chọn lọc giới tính, ông ấy đã mắc một lỗi thiên vị do thời đại của mình gây ra.

Những bộ lông đuôi sặc sỡ của chim công, những bộ sừng lớn đĩnh đạc của nai đỏ hay những túm bờm oai vệ của sư tử. Tất cả những đặc điểm đó cùng nằm trong một khái niệm mà Charles Darwin, cha đẻ của Thuyết Tiến hóa gọi là "sự chọn lọc giới tính".

Theo đó, những con đực trong thế giới động vật phải phát triển một số đặc điểm nổi trội hơn để cạnh tranh trong cuộc đua giao phối với con cái. Đôi khi, chúng còn phải chiến đấu với nhau để tranh giành bạn tình.

Hai con nai đỏ đực thể hiện hành vi chọn lọc giới tính với cuộc chiến và bộ gạc trên đầu chúng
Hai con nai đỏ đực thể hiện hành vi chọn lọc giới tính với cuộc chiến và bộ gạc trên đầu chúng.

Chọn lọc giới tính đảm bảo chỉ có một số ít con đực có bộ gen tốt nhất, thể hiện qua ngoại hình và sức mạnh của chúng, mới được độc quyền giao phối với con cái để sinh sản ra những hậu duệ khỏe mạnh nhất.

Điều này khiến không ít nhà khoa học tự hỏi: Vậy ở chiều ngược lại thì sao? Có khi nào những con cái cũng phải đánh ghen để lựa chọn bạn tình của mình?

Văn hóa ảnh hưởng đến khoa học

Sự thật là khi Darwin đưa ra khái niệm chọn lọc giới tính, ông ấy đã mắc một lỗi thiên vị do thời đại của mình gây ra.

Đó là những năm 1870 trong thời kỳ Victoria, khi những định kiến về giới tính chi phối xã hội khá mạnh mẽ. Phụ nữ bị gạt ra khỏi các hoạt động chính trị, kinh tế và xã hội. Công việc của họ gần như chỉ gắn liền với nội trợ, chăm sóc gia đình và chồng con.

Khi Darwin quan sát những cuộc cạnh tranh giữa những con đực với những con đực trong thế giới động vật, nó dường như phản ánh đúng những gì đang diễn ra trong xã hội loài người. Rằng những con đực phải cạnh tranh nhau, trong khi, con cái có quyền lựa chọn bạn tình của mình. Darwin nghĩ rằng đó là một sự mất cân bằng được tạo hóa sắp xếp.

Những nhà khoa học khác theo sau Darwin cũng rơi vào một sự thiên vị tương tự. Ước tính cứ 10 nghiên cứu về chọn lọc giới tính nói về các cuộc cạnh tranh của con đực với nhau thì mới có 1 nghiên cứu theo chiều hướng ngược lại, đề cập đến những con cái.

Bộ đuôi sặc sỡ của những con công đực là để thu hút công cái chọn chúng trong cuộc cạnh tranh giao phối
Bộ đuôi sặc sỡ của những con công đực là để thu hút công cái chọn chúng trong cuộc cạnh tranh giao phối.

Salome Fromeonteil, một nhà nghiên cứu sinh học tiến hóa tại Đại học Uppsala, Thụy Điển cho biết: "Rất nhiều người bị ảnh hưởng bởi nền văn hóa mà họ sống, bởi những gì mà họ nhìn thấy hàng ngày".

Điều này vô tình tạo ra những xu hướng thiên vị trong nghiên cứu khoa học, bao gồm cả khái niệm của sự chọn lọc giới tính chỉ xảy ra bên phía những con đực, Fromeonteil nói.

Các ngoại lệ đã bị bỏ qua, chẳng hạn như những con chim jacana cái cũng có hành vi đánh dấu và bảo vệ lãnh thổ giống con đực ở các loài khác. Chúng cũng cạnh tranh nhau để chiếm hữu nhiều bạn tình là con đực.

Ở một số loài cá ống như cá ngựa, vai trò của con đực thậm chí còn đảo ngược hoàn toàn khi chính chúng mới là giới tính mang thai. Những con cá ngựa đực sẽ phải ấp con non trong các túi cơ thể cho tới khi chúng trưởng thành, trong khi những con cái được giải thoát khỏi nhiệm vụ đó.

Nhiều bạn tình hơn, chọn lọc giới tính sẽ phổ biến hơn

Mặc dù vậy, không hẳn là Darwin không có lý khi cho rằng những con đực phải cạnh tranh nhau nhiều hơn để có được bạn tình. Vào thế kỷ 20, một nhà di truyền học người Anh, Angus John Bateman đã phát triển một giả thuyết giải thích cho điều đó.

Bateman cho biết trong hoạt động sinh sản, những con đực thường sản xuất được một số lượng lớn tinh trùng với chi phí trao đổi chất thấp. Trong khi con cái thì ngược lại, chúng dùng rất nhiều năng lượng để sản sinh ra một số lượng trứng nhỏ hơn.

Vì lý do này, Bateman cho biết chiến lược giao phối của hai giới cũng sẽ khác biệt. Những con đực cần phải tìm kiếm và tranh giành bạn tình để tối đa hóa được khả năng sinh sản. Còn con cái thì phát triển một thiên hướng lựa chọn bạn tình hơn là phải cạnh tranh.

Hai con con chim jacana cái đang đánh nhau để tranh giành lãnh thổ
Hai con con chim jacana cái đang đánh nhau để tranh giành lãnh thổ.

Đến cuối thế kỷ 20, hai nhà khoa học Stevan J. Arnold và David Duvall đã sử dụng ý tưởng trên để phát triển một chỉ số được gọi là "phổ Bateman". Nó là một phép đo dựa trên sản lượng sinh sản và số lần giao phối của một loài vật. Hay nói cách khác, đó là số lượng con cái được sinh ra chia cho số lần mà sinh vật giao phối.

Phổ Bateman càng lớn, một sinh vật sẽ càng phải giao phối nhiều hơn để có nhiều con hơn, đồng nghĩa với việc nó cần có nhiều bạn tình hơn.

Tim Janicke, nhà sinh vật học tiến hóa tại Đại học Montpellier, Pháp cho biết: "Nếu việc có nhiều bạn tình hơn đem lại lợi ích tích cực, nó sẽ dẫn đến sự cạnh tranh bạn tình. Và sự cạnh tranh này về cơ bản chính là bản chất của chọn lựa giới tính mà Darwin nói đến".

Cùng với Fromeonteil, Janicke đã tiến hành một nghiên cứu vào năm ngoái để chứng minh giá trị của phổ Bateman có thể là một yếu tố gián tiếp định lượng hành vi chọn lọc giới tính. Giả thuyết này có nghĩa là ở một đầu của phổ, một số loài có thể có những con đực đánh nhau để tranh giành con cái, ở đầu phổ ngược lại, những con cái sẽ phải tranh giành lại con đực.

Khi những con cái trong thế giới động vật cũng đánh ghen

Trong nghiên cứu được thực hiện vào năm trước, Fromeonteil và Janicke đã tổng hợp 111 phổ Bateman được tính cho cá thể cái của 72 loài động vật, từ bọ cánh cứng đến các loài thân mềm và động vật có vú.

Nhóm nghiên cứu đã quan sát thấy đúng là các loài có phổ Bateman lớn hơn thường phát triển hành vi "đa phu", hay giao phối với nhiều bạn tình. Có thể kể đến một ví dụ điển hình là loài ruồi giấm Địa Trung Hải (Ceratitis capitata).

Những con cái của giống ruồi này thường cạnh tranh nhau trong việc phát triển những sải cánh rộng, sẫm màu và vảy chân đầy lông. Khi cạnh tranh nhau để có được con đực, ruồi cái thường phồng bụng của chúng lên như những quả bóng bay, khiến bản thân chúng trở nên to hơn và hấp dẫn ruồi đực hơn.

Hai con hươu cái (Cervus elaphus) đang đánh nhau để tranh giành bạn tình
Hai con hươu cái (Cervus elaphus) đang đánh nhau để tranh giành bạn tình, một điều hiếm khi xảy ra trong thế giới động vật.

Loài gà gô (Tetrao tetrix) từng được coi là một điển hình của hành vi lựa chọn giới tính trong những con đực. Lông của gà gô đực thường sặc sỡ và độc đáo hơn con cái. Chúng cũng thường phải đánh nhau để tranh giành bạn tình.

Nhưng nghiên cứu gần đây cho thấy gà gô cái cũng phát triển để tham gia vào cuộc cạnh tranh ấy. Các loài gà mái khác cũng phát triển mào, mặc dù chúng nhỏ hơn mào của gà đực. Các nhà khoa học cho rằng đó chính là một dấu hiệu cạnh tranh tinh tế, bởi cả gà trống và gà mái đều thích chọn bạn tình có màu dày và to hơn.

Điều tương tự xảy ra với loài chim Malurus, khi những con cái cũng phát triển các bộ lông sặc sỡ để hấp dẫn lại con đực.

Nhưng nổi bật nhất có lẽ phải kể đến loài bọ hung. Tiến hóa trang bị cho những con cái của loài này một chiếc sừng để chiến đấu với những con cái khác trong cuộc tranh giành bạn tình là con đực.

Bọ hung cái ( Onthophagus sagittarius ) đã phát triển những chiếc sừng nhỏ có thể được sử dụng làm vũ khí trong các cuộc cạnh tranh giao phối với bọ hung đực
Bọ hung cái ( Onthophagus sagittarius ) đã phát triển những chiếc sừng nhỏ có thể được sử dụng làm vũ khí trong các cuộc cạnh tranh giao phối với bọ hung đực.

Có thể nói những con bọ hung cái đã đạt được tới điểm cực hạn của chọn lọc giới tính so với con đực của các loài khác. Nhưng rõ ràng là số lượng cuộc chiến giữa phái nữ trong thế giới động vật không có nhiều.

Các nhà khoa học giải thích rằng đó là bởi hành vi đánh nhau tiềm ẩn những rủi ro gây tổn thương cho cơ thể – thứ mà con đực dễ dàng chịu đựng hơn. Về cơ bản, chúng chỉ cần sống sót cho đến khi giao phối xong với con cái.

Còn những con cái sẽ phải làm nhiệm vụ đẻ và ấp trứng hoặc mang thai trong thời gian dài sau cuộc giao phối ấy. Nếu cơ thể chúng bị tổn thương, đó sẽ là một bất lợi cho giống loài. Vì vậy, không có nhiều loài vật mạo hiểm trao cho con cái khả năng đánh ghen để lựa chọn bạn tình.

Tóm lại, bất chấp sức nặng của những giả định và thành kiến ​​cảm tính của con người, Fromonteil cho biết "nhìn chung, chọn lọc giới tính hoạt động trên cả con cái". Tuy nhiên, mô hình của những hành vi này thường chỉ dừng lại ở mức cạnh tranh nhau về ngoại hình. Trong thế giới động vật, hiếm có khi nào các con cái cạnh tranh nhau khốc liệt bằng các cuộc chiến để tranh giành bạn tình.

Cập nhật: 05/09/2021
  • 1.285