Các nhà khoa học dựa vào cặn lắng trong xưởng nước hoa và công thức cổ để tạo ra mùi hương nữ hoàng Cleopatra có thể từng sử dụng.
Nhóm nghiên cứu ở Đại học Hawaii tại Manoa tái tạo nước hoa nữ hoàng Ai Cập Cleopatra có thể từng dùng dựa trên cặn lắng tìm thấy trong một chiếc vò hai quai lâu đời. "Đây là nước hoa Chanel No. 5 của Ai Cập cổ đại", nhà khảo cổ học Robert Littman so sánh.
Làm nước hoa đòi hỏi phải chiết xuất các phân tử thơm tự nhiên khác nhau, và sau đó trộn chúng để tạo ra một hương thơm dễ chịu. Nhưng các phân tử này rất dễ khuếch tán trong không khí nên cần phải có cách để cố định chúng. Kỹ thuật tạo hương của người Ai Cập cổ đại là đưa thực vật thô vào dầu, vì các phân tử hương có thể được cố định bởi các phân tử dầu. Theo những cứ liệu khảo cổ từ phương pháp này của người Ai Cập cổ đại thì một lít dầu có thể "bảo quản" mùi thơm của một kg hoa.
Nữ hoàng Cleopatra. (Ảnh: Wikipedia).
Ngày nay, các nhà sản xuất nước hoa sử dụng các phân tử tổng hợp, tức là các phân tử thơm được tạo ra bằng phương pháp hóa học. Điều này không chỉ tránh được việc giết hại các loài động vật quý hiếm như hươu xạ mà còn giúp tiết kiệm chi phí rất nhiều. Dầu dùng để cố định mùi thơm cũng được thay thế bằng hexan có nguồn gốc từ dầu mỏ.
Littman và đồng nghiệp Jay Silverstein nảy ra ý tưởng trong lúc khai quật thành phố Ai Cập Thmuis ở phía bắc Cairo thuộc châu thổ sông Nile, hình thành vào năm 4500 trước Công nguyên. Khu vực này là quê hương của hai trong số những loại nước hoa nổi tiếng nhất ở thế giới cổ đại: Mendesian và Metopian. Do đó, khi tìm thấy tàn tích của xưởng sản xuất nước hoa chứa đầy lọ thủy tinh nhỏ và vò hai quai bằng đất sét, các nhà nghiên cứu nỗ lực tìm cách khôi phục lại bất kỳ mùi hương nào còn lưu lại.
Chiếc vò hai quai không chứa bất kỳ mùi hương nào dễ nhận biết, nhưng có cặn lắng đã khô. Nhà nghiên cứu Dora Goldsmith và Sean Coughlin tái tạo mùi nước hoa của Thmuis, sử dụng công thức tìm thấy trong cuốn Materia medica của Hy Lạp và nhiều tài liệu khác.
Mộc dược, thành phần có trong cả hai loại nước hoa Mendesian và Metopian. (Ảnh: Atlas Obscura).
Cả nước hoa Mendesian và Metopian đều chứa mộc dược, loại nhựa thơm tự nhiên lấy từ một loài cây nhỏ có gai. Các chuyên gia cũng thêm vào bạch đậu khấu, dầu olive xanh và ít quế theo công thức. Thành phẩm có mùi cay nồng và hơi giống xạ hương. "Tôi cảm thấy nó rất dễ chịu và lưu lại lâu hơn nước hoa hiện đại", Littman chia sẻ.
Mặc dù nước hoa Mendesian thời nay cũng hấp dẫn tương tự như loại nước hoa Ai Cập cổ đại, nhưng vẫn chưa rõ là liệu Cleopatra có sử dụng nó hay không. Mandy Aftel – một chuyên gia nước hoa tự nhiên, điều hành một bảo tàng về các mùi hương kỳ lạ ở Berkeley, California – cho biết: "Họ đang cố gắng tạo lại nước hoa của bà ấy, nhưng theo tôi thì không ai biết chắc rằng bà ấy đã sử dụng thứ gì".
Aftel xác định nhũ hương và nhựa cây mật nhi lạp là thành phần chính trong nước hoa và tái tạo lại một bản sao. "Tôi đã ngửi thấy mùi xác ướp. Với tư cách là một chuyên gia nước hoa tự nhiên, đây là một cách rất hay để kết nối với quá khứ", bà nói.
Người Ai Cập cổ sử dụng nước hoa trong những nghi thức. Nước hoa được cô thành khối sáp hình nón đội trên đầu và chảy nhỏ giọt xuống tóc suốt cả ngày. Theo Littman, nước hoa thời đó đặc hơn ngày nay do bản chất của dầu olive.
Khi nói về nguồn gốc nước hoa, nhiều người có thể nghĩ rằng nguồn gốc của những mùi hương bắt đầu từ Châu Âu hoặc Pháp, bởi đây là nơi đã quá nổi tiếng với những thương hiệu nước hoa danh tiếng như Chanel, Dior, Versace,… Nhưng trên thực tế, quốc gia đầu tiên phát minh ra nước hoa là đất nước Ai Cập cổ đại, với những vết tích và dấu hiệu của nước hoa trong những ngôi mộ cổ. Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn tìm thấy được bình đựng hương liệu thơm có niên đại 4000 năm TCN được chế tác khá tỉ mỉ và nghệ thuật. Ngay từ thời cổ đại, nước hoa xuất hiện dưới hai loại. Ban đầu là sự xuất hiện của các loại thuốc mỡ và các tinh dầu có khả năng giữ hương lâu dài. Họ bôi lên cơ thể, đặt trong túi vải cùng với quần áo hay sử dụng trực tiếp lên tóc. Sau đó là sự xuất hiện của các loại chất đốt để lan tỏa mùi hương trong phòng hoặc các nghi lễ tôn giáo. Từ "Perfume" xuất phát từ tiếng La - tinh "fumus", có nghĩa là "khói", chính là nguồn gốc từ loại chất đốt tỏa hương này. Và dần dần, theo thời gian, nước hoa biến đổi thành dạng hỗn hợp sệt, và cuối cùng là dạng chất lỏng như hiện nay. |