Tàu Hope sắp đi vào quỹ đạo hành tinh đỏ, trở thành con tàu đầu tiên đến đích trong bộ ba sứ mệnh sao Hỏa triển khai vào năm ngoái.
Tàu vũ trụ Hope của UAE bắt đầu hành trình tới quỹ đạo sao Hỏa vào sáng 20/7. (Video: Space).
Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Trung Quốc và Mỹ cùng phóng các tàu thăm dò của mình tới sao Hỏa vào tháng 7 năm ngoái, tận dụng khoảng thời gian Trái đất và sao Hỏa ở gần nhau nhất. Nếu mọi thứ diễn ra suôn sẻ, tàu Hope của UAE sẽ là thiết bị đầu tiên trong bộ ba này đi vào quỹ đạo của hành tinh, đưa quốc gia vùng Vịnh giàu có trở thành nước thứ 5 trên thế giới làm được điều này.
Dự kiến vào lúc 22h30 ngày mai, 9/2, con tàu sẽ thực hiện một thao tác "hãm phanh" quan trọng và phức tạp. Hope cần xoay và khai hỏa cả sáu động cơ Delta-V của nó trong 27 phút để giảm tốc độ bay từ 121.000 km/h xuống chỉ còn 18.000 km/h, cho phép lực hấp dẫn của sao Hỏa có thể bắt giữ nó trên quỹ đạo.
Theo các quan chức của Emirati, cơ hội thành công của nhiệm vụ là 50%. Sẽ mất khoảng 11 phút để tín hiệu và tiến độ của nó đạt được sự kiểm soát trên mặt đất.
Mô phỏng tàu Hope quay quanh sao Hỏa. (Ảnh: Filipino Times).
"Thật vinh dự khi là quốc gia đầu tiên trong các sứ mệnh của năm nay đến được sao Hỏa, nhưng UAE chưa bao giờ coi đó là một cuộc đua. Chúng tôi tiếp cận không gian như một nỗ lực hợp tác toàn diện", Giám đốc dự án của sứ mệnh UAE Omran Sharaf chia sẻ.
Hope theo kế hoạch sẽ quay quanh hành tinh đỏ trong ít nhất một năm sao Hỏa, tức 687 ngày trên Trái đất. Con tàu được thiết kế để nghiên cứu toàn diện các điều kiện thời tiết, bao gồm các chu kỳ hàng ngày và theo mùa, các sự kiện trong tầng khí quyển thấp như bão bụi, và sự thay đổi thời tiết giữa các vùng khác nhau trên hành tinh. Sứ mệnh cũng là một bước đệm để hướng tới mục tiêu tham vọng hơn nhiều, đó là xây dựng một khu định cư cho con người trên sao Hỏa trong vòng 100 năm tới.
Tàu quỹ đạo của UAE sẽ sử dụng ba công cụ khoa học để theo dõi bầu khí quyển của hành tinh đỏ và dự kiến bắt đầu truyền thông tin trở lại Trái đất từ tháng 9/2021.