Tàu thăm dò Trung Quốc lần đầu chụp ảnh Mặt trời

  •  
  • 277

Đài quan sát Mặt trời mới phóng gần đây của Trung Quốc gửi về ảnh chụp đầu tiên ghi hình vết lóa cấp M phun trào trên ngôi sao này.

 Vết lóa với độ mạnh trung bình trong ảnh chụp bằng thiết bị HXI trên tàu thăm dò ASO-S.
Vết lóa với độ mạnh trung bình trong ảnh chụp bằng thiết bị HXI trên tàu thăm dò ASO-S. (Ảnh: PMO/CAS)

Bức ảnh Mặt trời được chụp bởi thiết bị Hard X-ray Imager (HXI) trên Đài quan sát Mặt trời tiên tiến trong không gian (ASO-S). Đài quan sát Purple Mountain thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) là đơn vị chia sẻ bức ảnh. HXI chụp vụ phun trào lóa Mặt trời cấp trung bình hôm 11/10, chỉ vài tuần sau khi ASO-S phóng. Sự kiện dẫn tới một đợt bùng phát bức xạ điện từ khổng lồ từ khí quyển Mặt trời. Loại lóa Mặt trời lớn này có thể ảnh hưởng tới tầng điện ly và liên lạc vô tuyến trên Trái Đất.

Trung Quốc phóng ASO-S, vệ tinh được thiết kế đặc biệt để tiến hành thăm dò toàn diện Mặt trời, lên quỹ đạo bằng tên lửa đẩy Trường Chinh 2D hôm 9/10 từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở tỉnh Cam Túc phía tây bắc Trung Quốc. ASO-S sẽ tiến hành quan sát Mặt trời liên tục trong ít nhất 4 năm. Mục tiêu chính của tàu bao gồm sự hình thành từ trường, vết lóa và cơn phun trào cực quang, theo người chỉ đạo dự án Gan Weiqun, nghiên cứu sinh ở Đài quan sát Purple.

Các nhà khoa học Trung Quốc sẽ sử dụng vệ tinh để hỗ trợ dự đoán thời tiết vũ trụ có thể ảnh hưởng tới hoạt động công nghệ cao như bay vào vũ trụ, liên lạc và định vị. Để đạt những mục tiêu đó, tàu thăm dò trang bị kính viễn vọng Lyman-alpha (LST), máy chụp Hard X-ray Imager (HXI) và máy đo từ Full-disk solar vector MagnetoGraph (FMG).

Đây là dự án đầu tiên trên thế giới quan sát từ trường, lóa Mặt trời và những vụ nổ mạnh. ASO-S hoạt động ở quỹ đạo cách bề mặt Trái Đất 720 km, do đó có thể tiến hành quan sát Mặt trời trực tiếp cả ngày với độ trễ liên lạc tương đối ngắn.

Cập nhật: 28/11/2022 VnExpress
  • 277