Tàu thám hiểm sao Hỏa Phoenix (Phượng Hoàng) đã không còn hoạt động sau khi bị băng carbon làm hỏng các tấm thu năng lượng mặt trời, thông báo của Phòng thí nghiệm JPL của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA).
Cơ quan này cũng cho hay họ đã quyết định từ bỏ mọi nỗ lực liên lạc với con tàu kể từ ngày 24-5.
|
Tàu Phoenix không còn hoạt động nhưng những phát hiện của nó rất quý giá đối với các nhà khoa học |
Phoenix đáp xuống gần cực bắc sao Hỏa vào ngày 25-5-2008 và hoạt động khá thành công trong suốt 5 tháng - lâu hơn 2 tháng so với kế hoạch ban đầu. Đến đầu tháng 11-2008, các nhà khoa học NASA không còn nhận được tín hiệu từ con tàu.
Tuy không hi vọng con tàu “sống sót” được qua mùa đông ở sao Hỏa (thời điểm ánh mặt trời không còn chiếu tới nơi Phoenix hạ cánh), họ vẫn tiếp tục tìm kiếm các tín hiệu từ nó.
Trong năm nay, họ đã cho tàu Mars Odyssey bay bên trên địa điểm Phoenix hạ cánh hơn 200 lần với hi vọng thu thập được điều gì đó từ con tàu nhưng đã không nhận được hồi đáp. Vào tuần trước, khi bắc bán cầu sao Hỏa vào hè, NASA đã cố thử một lần nữa nhưng không có kết quả.
Trước đó, hồi đầu tháng 5, một tàu thăm dò khác là Mars Reconnaissance Orbiter đã chụp được hình ảnh về những biến đổi ở cái bóng của Phoenix, và những hình ảnh này phù hợp với dự báo rằng con tàu đã bị hàng trăm kg băng bao phủ, làm hỏng các tấm thu năng lượng mặt trời của tàu.
Chính những điều này đã khiến NASA quyết định ra thông báo về “cái chết” của con tàu sau 2 năm hi vọng.
Phoenix được gửi lên sao Hỏa để thực hiện nhiệm vụ thám hiểm không gian theo chương trình Thăm dò sao Hỏa. Đây là nhiệm vụ đến sao Hỏa đầu tiên được kiểm soát bởi các nhà khoa học, nhà nghiên cứu chủ chốt; cũng là tàu thăm dò đầu tiên của NASA dùng trang Twitter để thông tin với công chúng.
Kể từ khi hạ cánh thành công xuống gần cực bắc sao Hỏa vào tháng 5-2008, tàu Phoenix đã phát hiện những bằng chứng đầu tiên về nước và chứng kiến tuyết rơi trên hành tinh đỏ.
Ngoài ra, Phoenix còn ghi lại được hơn 25.000 bức ảnh từ bề mặt cho tới tầng nguyên tử trên sao Hỏa, tìm thấy các khu vực tập trung muối nhỏ có khả năng tạo ra nguồn dinh dưỡng cho sự sống...
Nguồn: AP, Xinhua