Tiết kiệm 156 triệu Euro, tương đương gần 4.500 tỷ đồng; giảm khí thải C02 là thành tựu đáng ghi nhận có được từ việc thương mại hóa ngô biến đổi gene chống sâu đục thân tại Tây Ban Nha trong 15 năm qua.
Nhân kỷ niệm 15 năm (1998 - 2013) cây ngô biến đổi gene chống sâu đục thân chính thức cho phép trồng tại Tây Ban Nha, Quỹ Antama vừa công bố báo cáo “15 năm trồng ngô biến đổi gene tại Tây Ban Nha - Những lợi ích về kinh tế xã hội và môi trường”, được chủ trì bởi tiến sĩ kinh tế Laura Riesgo đến từ Đại học Oveido.
Báo cáo là công trình nghiên cứu hoàn chỉnh với các đánh giá tổng quan dựa trên khoa học. Đây cũng được xem là kết quả nghiên cứu đầu tiên, chuyên biệt phân tích các lợi ích của việc ứng dụng cây ngô biến đổi gene chống sâu đục thân tại Tây Ban Nha.
Báo cáo kết luận việc ứng dụng trồng ngô biến đổi gene chống sâu đục thân tại Tây Ban Nha đã giúp quốc gia này giảm thiểu hơn 850.000 tấn ngô nhập khẩu từ năm 1998 đến 2013, qua đó tiết kiệm khoảng 156 triệu euro.
Một giống ngô biến đổi gene. (Ảnh: motherearthnews.com)
Trong 15 năm qua, ngô biến đổi gene đã giúp Tây Ban Nha sản xuất thêm 853.201 tấn ngô hạt. Ngô biến đổi gene còn giúp gia tăng quá trình cố định hoá carbon tương đương với khoảng 662.937 tấn khí CO2 (khối lượng tịnh), điều này đồng nghĩa với việc giảm thiểu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ 22.934 xe ô tô hàng năm tại Tây Ban Nha.
Lợi ích kinh tế mang lại từ việc ứng dụng ngô biến đổi gene chống sâu đục thân là chi phí đầu tư thấp nhờ việc giảm liều lượng thuốc trừ sâu sử dụng, giảm chi phí đầu vào; đồng thời tăng năng suất là do bảo đảm được năng suất thu hoạch không bị thất thoát do tác hại của nấm mốc (mycotoxins) và của sâu đục thân ngô.
Theo báo cáo, ngô biến đổi gene còn giúp hạn chế những ảnh hưởng bất lợi đối với một số loại côn trùng có lợi. Năng suất trung bình tăng 7,38% tới 10,53% tuỳ thuộc vào địa bàn canh tác và mức độ sâu bệnh hại mỗi vụ.
Theo các nhà khoa học, lợi ích lớn nhất mà ngô biến đổi gene đem lại là mức tăng trưởng lợi nhuận ròng mà nông dân thu về so với cây ngô truyền thống. Trung bình mỗi ha ngô biến đổi gene sẽ đem về cho nông dân thêm 147 euro (tương đương 4,2 triệu đồng). Cùng với các lợi ích về kinh tế, canh tác ngô biến đổi gene cũng giúp nông dân dễ dàng và thuận lợi hơn trong việc chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại.
Mới đây, công bố về một loại ngô biến đổi gene có thể khiến chuột ung thư được cho là nghiên cứu đầu tiên về mặt trái của cây trồng biến đổi gene, đã bị tạp chí khoa học nổi tiếng rút bài. Tác giả nghiên cứu là Gilles Eric Séralini, từ Đại học Cannes. Thông tin này cũng gặp sự phản đối của nhiều nhà khoa học trên thế giới. "Có rất ít bằng chứng khoa học uy tín trong nghiên cứu", chuyên gia công nghệ sinh học Martina Newell-McGloughlin, Đại học California, Mỹ nói.