Thật không thể tin nổi khả năng chịu đựng của cơ thể con người

  •   2,84
  • 7.404

Mức độ cực đại mà cơ thể con người có thể chịu đựng với nóng, lạnh và đau qua những nghiên cứu khiến chúng ta giật mình.

Khả năng chịu đựng của cơ thể con người đến đâu

Khi đau con người phải kêu lên, khi rét thì run và khi nóng thì vã mồ hôi. Tuy nhiên, mức độ cực đại mà cơ thể con người có thể chịu đựng với nóng, lạnh và đau qua những nghiên cứu khiến chúng ta giật mình.

Chịu được sức nóng 160 độ C

BS Nguyễn Ý Đức (Mỹ) cho biết, cũng như các động vật khác, khi sinh ra, con người đã được tạo hóa ban cho một hệ thống rất tinh vi để điều hòa và giữ nhiệt độ trong cơ thể ở mức độ bình thường trước những thay đổi đột ngột đến từ bên ngoài hay từ trong cơ thể.

Hệ thống này được sự phối hợp của bộ phận hypothalamus trong não bộ và của cơ bắp. Nhiệt độ trung bình của cơ thể thay đổi từ 36,2 độ C tới 37,6 độ C (tức từ 97 độ F tới 100 độ F). Độ F được các nhà khoa học Hoa Kỳ dùng, còn đa số các nước trên thế giới dùng độ Celsius với 0 độ là nhiệt độ nước đá, 100 độ là nhiệt độ nước sôi.

Nhiệt độ cơ thể chúng ta cũng thay đổi tùy theo thời gian trong ngày. Buổi sáng thấp vì cơ thể không được cung cấp năng lượng sau một đêm dài ngủ nghỉ; buổi chiều cao hơn vì các hoạt động trong ngày và thực phẩm tiêu thụ đã tạo ra nhiều nhiệt lượng. Nhiệt độ đo ở nách thấp hơn ở miệng và miệng lại thấp hơn ở hậu môn.

Thân nhiệt luôn luôn ở mức trung bình nhờ có sự cân bằng giữa tạo ra nhiệt và phân tán nhiệt. Nắng là ánh sáng mang thêm sức nóng của mặt trời trực tiếp chiếu xuống Trái đất. Nắng bức tăng dần từ sáng tới cao độ vào lúc trưa rồi giảm dần tới chiều và ban đêm.

Nhiệt độ trong không khí thường thấp hơn sức nóng mà ta cảm thấy vì ảnh hưởng của độ ẩm tương đối. Độ ẩm không khí càng cao ta càng cảm thấy nóng khó chịu hơn.

Thật không thể tin nổi khả năng chịu đựng của cơ thể con người
Một người biểu diễn màn nhúng bàn tay vào chảo dầu sôi.

Hiện nay, nước ta đã bước vào mùa hè nóng bức khiến con người khó chịu và sinh ra các loại bệnh tật. Tuy nhiên, theo BS Nguyễn Ý Đức thì chúng ta đừng quá lo lắng mà hãy học bí quyết để làm mát cơ thể.

Tùy cơ địa và môi trường sinh sống mà con người có thể thích nghi. Thông thường, ở sức nóng 50 độ C đã khiến chúng ta ngột ngạt. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã dăm lần bảy lượt làm thí nghiệm tăng nhiệt độ một cách từ từ và thấy con người có thể chịu đựng được tối đa đến 160 độ C, tức vượt quá độ sôi của nước đến 60 độ C.

Để kiểm chứng khả năng này, 2 nhà vật lý người Anh đã tự chui vào lò nướng bánh mỳ trong vài giờ đồng hồ. Kết quả thật đáng kinh ngạc khi họ vẫn sống sót. Kết luận được đưa ra là trong điều kiện lý tưởng môi trường khô ráo, con người có thể chịu được nhiệt độ cao tới 160 độ C. Vì sao lại như vậy?

BS Nguyễn Ý Đức cho hay: “Con người có 4 cơ chế thoát nhiệt: bức xạ, dẫn truyền, đối lưu và toát mồ hôi. Nhưng khi trời nóng thì 3 cách: bức xạ, dẫn truyền, đối lưu sẽ chỉ làm nhiệt độ cơ thể tăng lên. Khi đó, mấu chốt chính là nằm ở mồ hôi. Khi mồ hôi bốc hơi, chúng hút nhiệt lượng ở khu vực không khí xung quanh da, làm vùng khí này có nhiệt độ hạ thấp xuống dưới gần mức nhiệt độ của cơ thể”.

Đó là khả năng chịu nóng khi nhiệt độ tăng dần đều. Còn việc nóng đột ngột thì con người chịu đựng có mức độ. Người viết bài này đã từng chứng kiến cảnh thầy Tào của người dân tộc Tày làm lễ cúng đi trên than đỏ, thậm chí nhúng tay vào nước sôi 100 độ C nhưng vẫn chịu đựng được dù phần da có bị bỏng tấy.

Chịu lạnh ra sao?

Theo BS Nguyễn Ý Đức, con người nhận thức về cái lạnh bắt đầu hình thành khi các dây thần kinh trên da gửi các xung thần kinh về nhiệt độ của da lên não. Những xung thần kinh này không chỉ phản ứng với nhiêt độ của da mà còn phản ứng với tốc độ thay đổi nhiệt độ trên da.

Vì vậy, chúng ta cảm thấy rét hơn khi vừa nhảy vào nước lạnh so với khi đã ở trong nước lạnh một thời gian nhất định. Đó là khả năng thích nghi và điều này đã thu hút nhiều người trên thế giới thử xem cơ thể mình chịu lạnh đến nhiệt độ nào.

Thật không thể tin nổi khả năng chịu đựng của cơ thể con người
Wim Hof, 53 tuổi người từ Hà Lan đã 8 lần lập kỷ lục chịu lạnh.

Câu chuyện của ông Wim Hof, 53 tuổi người từ Hà Lan đã 8 lần lập kỷ lục thế giới về khả năng chịu lạnh siêu phàm đã chứng minh điều đó. Người đàn ông này có thể đi dạo trên Bắc Cực với nhiệt độ lạnh giá là -20 độ C, lặn sâu dưới băng hơn 80m với một bộ đồ bơi bình thường và leo lên đỉnh Everest mà chỉ mặc một chiếc quần soóc. Ông cũng đã ngâm mình trong bể chứa đá cao 1,5m với khoảng thời gian là 1 giờ 12 phút.

Tuy nhiên, cơ thể con người sẽ bị tổn thương và dẫn tới tử vong do lạnh giá bởi hiện tượng máu giảm hoặc không thể lưu thông. Nếu con người phải chịu cơn gió lạnh -9,4 độ C thì mới xuất hiện sự tê cứng. Nhưng nhiệt độ không khí xuống dưới điểm đông 0 độ C thì đã tê cứng rồi.

Chịu đau cũng có gene

Không giống như “ngưỡng chịu đựng” về nóng và lạnh, khả năng chịu đau đớn của con người được các nhà khoa học tìm ra nguyên nhân bởi gene. Có những người chịu đau đớn rất giỏi, thậm chí có thể chịu đau đớn ở “ngưỡng đỏ”, tức có thể dẫn tới tử vong.

Nhưng cũng có người chịu đau rất kém. Những người này khi bị kim tiêm xuyên vào tay sẽ đau đớn bằng người chịu đau giỏi bị dao đâm vào ổ bụng. Cho nên, khả năng chịu đựng đau đớn mỗi người có khác biệt.

Các nhà khoa học tìm ra 4 gene liên quan đến cảm giác đau đớn mang tên COMT, DRD2, DRD1 và OPRK1. Qua khảo sát hơn 2.700 người được kê toa thuốc có chứa ma túy để đối phó với cơn đau mạn tính, yêu cầu bệnh nhân tự đánh số điểm cơn đau từ 1 - 10 theo mức độ từ nhẹ đến nặng rồi phân thành 3 nhóm.

Số người tự nhận có cảm giác đau thấp chiếm 9%; nhóm có cảm giác đau trung bình chiếm 46% và nhóm có cảm giác đau cao chiếm 45%. Những người có gene DRD1 có cảm giác đau ít. Đối với nhóm có cảm giác đau trung bình, 2 gene COMT và OPRK1 thường thấy hơn. Trong khi đó, gene DRD2 thường phổ biến hơn ở những người có cảm giác đau nhiều.

Khả năng chịu đựng đau đớn của con người còn phụ thuộc vào yếu tố tâm lý, niềm tin. Điều này được chứng minh ngay ở những tù nhân chính trị mà thực dân Pháp và đế quốc Mỹ khi xâm lược Việt Nam đã bắt và tra tấn.

Những người tù chính trị, vì lý tưởng và niềm tin nên có thể chịu vượt qua cả “ngưỡng đỏ” của sự tra tấn. Thông thường, những cách làm cho con người đau đớn tột cùng như: Cưa răng, xuyên thanh sắt nung đỏ vào da thịt hay đánh dập xương sẽ khiến nạn nhân tử vong. Tuy nhiên, vì một niềm tin nào đó mà họ dễ dàng vượt qua, thậm chí cảm thấy ít đau đớn.

“Cơ thể con người là một tuyệt tác của tạo hóa. Trong đó, cơ thể có thể thích nghi với mọi điều kiện, từ nóng, lạnh đến cảm giác đau đớn. Tất nhiên, cũng có những “ngưỡng đỏ” khiến con người gục ngã. Nhưng với khả năng chịu đựng tối đa của con người ở mức nóng 160C thì không phải sinh vật nào cũng làm được”.

Theo Kiến Thức
  • 2,84
  • 7.404