Thay đổi thói quen ăn uống để ngăn Trái đất nóng lên

  •  
  • 389

Nếu chúng ta ngừng đốt tất cả nhiên liệu hóa thạch từ giây phút này, liệu chỉ bấy nhiêu đó có đủ để kiểm soát sự nóng lên toàn cầu?

Câu trả lời là không, vì nhiên liệu hóa thạch chỉ là một phần của bức tranh lớn.

Không có nhiên liệu hóa thạch Trái đất vẫn nóng lên

Việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân lớn nhất phát thải khí nhà kính. Nhiều quốc gia đang cố gắng giảm mức tiêu thụ cũng như mức phát thải các khí này, với mục tiêu giữ nhiệt độ trung bình toàn cầu không tăng quá 1,5-2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, theo Thỏa thuận chung Paris về biến đổi khí hậu.

Giáo sư sinh thái học David Tilman tại Đại học California cho biết nguồn năng lượng dầu mỏ chỉ là một phần của bức tranh lớn. Trong bài báo khoa học đăng trên tạp chí Science, giáo sư Tilman và đồng nghiệp dự đoán ngay cả khi không có nhiên liệu hóa thạch, các phát thải khí nhà kính tích lũy từ một nguồn khác vẫn khiến nhiệt độ toàn cầu chạm tới giới hạn chỉ trong vài thập kỷ tới. Nguồn đó chính là thức ăn của con người.


Giảm ăn thịt, tăng ăn rau là một trong những cách thiết thực chống biến đổi khí hậu - (Ảnh: REUTERS).

Theo giáo sư, những khí nhà kính liên quan đế hệ thống lương thực toàn cầu đang trên đường đẩy nhiệt độ thể giới tăng thêm 1,5 độ C và khó có thể duy trì dưới mức tăng 2 độ C. Sự gia tăng dân số thế giới đòi hỏi sản xuất nhiều thức ăn hơn, từ đó thải ra khối lượng khổng lồ không ngừng tăng lên của các khí nhà kính như carbonic, metan vào khí quyển.

Theo số liệu của bài nghiên cứu, chỉ tính riêng phát thải từ nông nghiệp cũng có thể đưa nhiệt độ chạm giới hạn 1,5 độ C vào năm 2050.

Phát hiện này đặc biệt đáng lo ngại khi chúng ta thực chất vẫn đang tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch. Kể từ năm 1880 đến nay, thế giới đã tăng lên 1 độ C, vì thế chỉ còn một lằn ranh mỏng manh trước khi "thảm cảnh" biến đổi khí hậu diễn ra nghiêm trọng: nước biển dâng, axit hóa đại dương, mất đa dạng sinh học…

"Chúng ta sẽ chạm giới hạn 2 độ C nếu phát thải từ lương thực vẫn cứ dần tăng cộng với 1 năm phát thải nhiên liệu hóa thạch như mức hiện tại. Và tôi đảm bảo rằng chúng ta sẽ không ngừng phát thải nhiên liệu hóa thạch sau 1 năm", giáo sư Tilman nhận định.

Các nhà khoa học đánh giá việc giảm phát thải từ lương thực là thiết yếu để giữ cho hành tinh này "sống được".

Cần thay đổi chế độ ăn

Ngành chăn nuôi "đóng góp" một lượng lớn khí thải nhà kính
Ngành chăn nuôi "đóng góp" một lượng lớn khí thải nhà kính - (Ảnh: REUTERS).

Nông nghiệp phát thải khoảng 30% lượng khí nhà kính. Dân số toàn cầu tăng kéo theo sự gia tăng của những nguồn phát thải chính như phá rừng và phát quang đất, lạm dụng phân bón, chăn nuôi gia súc thải khí (ví dụ trâu, bò).

Các quốc gia như Mỹ với lợi thế nông nghiệp hiện đại quy mô lớn, chăn nuôi cao độ và sử dụng nhiều phân bón đóng góp nhiều nhất về khí nhà kính. Trong khi đó, các nước "thấp hơn" như vùng cận Sahara ở châu Phi với dân số tăng trưởng cùng mức sống dần tăng đã thúc đẩy nhu cầu lương thực, hướng tới các "bữa ăn đô thị" với hàm lượng thịt cao.

"Nhu cầu lương thực tăng, nhưng nông dân không có đủ nguồn cung, vì thế họ phát quang đất ngày càng nhiều (để làm nông nghiệp)", giáo sư Tilman cho biết.

Chưa kể, chúng ta không thể nào dừng sản xuất thức ăn, có lẽ đây chính là lý do phát thải từ nông nghiệp không được chú ý nhiều bằng nhiên liệu hóa thạch trong mục tiêu cắt giảm. Tuy nhiên, sự nóng lên toàn cầu không phải là tác động bất khả kháng từ việc ăn uống. Nhiều chiến lược về lương thực có thể giúp giới hạn phát thải nông nghiệp ngay trong bối cảnh dân số tăng.

Theo bài nghiên cứu, phương pháp hiệu quả nhất là chuyển đổi theo hướng chế độ ăn giàu rau quả hơn, không chỉ giúp cho sức khỏe mà còn giảm nhu cầu ăn thịt bò và thịt các động vật nhai lại khác. Việc đó cũng giảm áp lực phát quang đất để trồng thức ăn cho chăn nuôi. Trồng trọt càng ít, phân bón càng ít.

Các chế độ ăn này không phải là chay, mà là giảm tiêu thụ thịt đỏ xuống tần suất tối đa mỗi tuần một lần, cộng với tiếp nạp đạm từ các nguồn khác như gà hay cá, tăng lượng rau quả. Việc này khi kết hợp với cắt giảm nhiên liệu hóa thạch có thể giúp duy trì nhiệt độ lâu dài.

Bất chấp các nỗ lực, Trái đất vẫn đang nóng lên
Bất chấp các nỗ lực, Trái đất vẫn đang nóng lên - (Ảnh: REUTERS).

Một số chiến lược khác

"Nhiều quốc gia có lượng nông sản lớn bởi vì từ năm 1960 đến nay họ sử dụng ngày càng nhiều phân bón. Nhưng nghiên cứu gần đây cho thấy hầu hết các nước này dùng rất nhiều hơn mức mà họ cần để đạt được mức sản lượng đó", giáo sư Tilman tiết lộ.

Việc giảm 30% lượng phân bón không chỉ giúp tiết kiệm ngân sách cho cùng một sản lượng mà còn ngăn phát thải khí nitơ oxit tạo ra bởi số phân bón thừa. Theo giáo sư, khoảng 40% từ nông nghiệp góp phần vào sự nóng lên toàn cầu là các khí nitơ oxit sản sinh từ phân bón.

Các chiến lược khác có thể thực hiện là điều chỉnh lượng tiêu thụ calo bình quân đầu người ở mức vừa đủ, tăng sản lượng để tiếp ứng nhu cầu ở những nơi cần giảm áp lực phát quang đất, giảm một nửa lượng rác thải ăn uống.

Cập nhật: 20/11/2020 Theo Tuổi Trẻ
  • 389