Một thiết bị tự động đưa ra các câu hỏi trắc nghiệm cho tài xế. Nếu không có tiếng trả lời hoặc nếu thời gian trả lời chậm, ngắt quãng, tín hiệu cảnh báo chống ngủ gật lập tức phát ra.
Nhóm nghiên cứu đến từ Khoa Điện tử Viễn Thông, trường Đại học Bách khoa Hà Nội gồm Nguyễn Quang Trường, Hoàng Mạnh Cường, Vũ Mạnh Cường và Trần Anh Đức đã chế tạo thiết bị chống ngủ gật cho lái xe với chi phí thấp phù hợp điều kiện nước ta.
Nguyễn Quang Trường, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, thiết bị có dạng hộp chữ nhật nhỏ gọn. Khi lắp đặt trên xe, thiết bị sẽ phát hiện điều kiện gây ngủ gật dựa vào các các yếu tố như thời điểm, quãng đường và thời gian lái xe liên tục. Sau đó, thiết bị sẽ xác định trạng thái, mức độ tỉnh táo của lái xe thông qua việc đo thời gian trả lời các câu hỏi trắc nghiệm do thiết bị đưa ra. Thời gian cần thiết để trả lời câu hỏi sẽ tỷ lệ nghịch với mức độ tỉnh táo của lái xe. Cuối cùng, thiết bị sẽ tạo ra tín hiệu cảnh báo chống ngủ gật, với các tín hiệu là ánh sáng chớp, âm thanh, dòng điện xung.
Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm khả năng đánh thức của thiết bị đối với các tình nguyện viên. Kết quả thử nghiệm từ các tình nguyện viên có tuổi từ 20 - 35 cho thấy, thời gian mà các tình nguyện viên trả lời đúng câu hỏi trong lúc tỉnh táo là 100%, mức độ sai số giảm dần với các mức thời gian sau buồn ngủ là 5 phút, 15 phút, 25 phút và 35 phút.
Giao diện màn hình thiết bị chống ngủ gật cho lái xe.
Tuy nhiên, theo Nguyễn Quang Trường, thiết bị chỉ góp vai trò phần nào để giảm bớt tai nạn, nó không phải là giải pháp chính để hạn chế tai nạn liên quan. Vì theo các bác sĩ chuyên khoa tâm thần, việc "cố thức" bằng mọi biện pháp sẽ làm rối loạn "nhịp sinh học" trong mỗi người. Thiếu ngủ kéo dài khiến cơ thể con người mệt mỏi, các cơn đau nhức, mắt trũng và mờ đi. Sau 2 - 3 đêm không ngủ sẽ giảm thiểu đáng kể sự tập trung và suy xét. Thời gian kéo dài khoảng một tuần sẽ có cảm giác run rẩy ở các đầu chi, trí nhớ bắt đầu rối loạn, có những hành vi bất thường và bị hoang tưởng. Và khi rơi vào trạng thái đó thì việc lái xe là vô cùng nguy hiểm.
Giá thành phần cứng của sản phẩm khoảng hơn 1 triệu đồng. Nếu được triển khai thành sản phẩm thương mại thì giá thành có thể sẽ rẻ hơn. Điểm quan trọng là sản phẩm dễ sử dụng. Với phần trắc nghiệm câu hỏi dành cho tài xế, sẽ dễ dàng nhận biết sự không tỉnh táo của tài xế khi họ đang lái xe. Các câu hỏi trắc nghiệm khá đơn giản. Ví dụ như Mặt Trời mọc hướng nào, trời có đang mưa không, nắng có nóng không hay cộng trừ ngẫu nhiên các con số đơn giản. Nếu tài xế không trả lời hoặc trả lời ngắt quãng với thời gian quá lâu, thiết bị sẽ phát ra những cảnh báo cần thiết. Thiết bị được sử dụng nguồn điện ắc quy hoặc điện trực tiếp từ ô tô.