Kế hoạch xây nhà máy sản xuất bò nhân bản đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thịt đe dọa đẩy Trung Quốc vào nguy cơ ô nhiễm môi trường, mất an ninh lương thực và suy giảm sức khỏe cộng đồng.
Phòng thí nghiệm công nghệ sinh học Tập đoàn Boyalife mới đây công bố kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất khoảng một triệu con bò nhân bản một năm gần thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Không chỉ dừng lại ở bò, Boyalife còn tham vọng tạo ra ngựa đua, thú cưng và chó nghiệp vụ nhân bản hàng loạt trong tương lai. Tuy vậy, phần lớn kế hoạch vẫn nhắm tới nhân bản bò làm thực phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thịt bò đang tăng vọt ở Trung Quốc.
Bày tỏ quan điểm trên The Guardian, Jian Yi, nhà làm phim tư nhân và nhà hoạt động văn hóa của Trung Quốc cho hay, ông đọc tin tức về kế hoạch này trong tâm trạng hoài nghi lẫn lo sợ.
Năm 2009, Yi đạo diễn bộ phim tài liệu đầu tiên về sức tiêu thụ thịt khổng lồ tại Trung Quốc, kéo theo sự phát triển mạnh của công nghiệp thực phẩm. Trong bộ phim tài liệu có tựa "What's for Dinner? (Tối nay ăn gì)" Yi phát hiện nhiều vấn đề xoay quanh sự bùng nổ ngành chăn nuôi gia súc như ô nhiễm môi trường, nguy cơ bất ổn lương thực, suy giảm sức khỏe cộng đồng (trong đó có nguyên nhân sử dụng kháng sinh và hormone trong thức ăn chăn nuôi), biến đổi khí hậu và phúc lợi động vật.
Ngưu Ngưu, con bò điều chỉnh gene cùng bê con tại cơ sở thí nghiệm tại đại học Nông nghiệp Bắc Kinh,Trung Quốc. (Ảnh: Li Wen).
Kể từ thời điểm đó, Yi bắt đầu đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về các vấn đề này. Yi mang bộ phim tài liệu trình chiếu khắp Trung Quốc và sử dụng những nền tảng mạng xã hội phổ biến cho mục tiêu của mình. Dần dần, chiến dịch của ông cũng thu hút thêm nhiều sự chú ý, ngày càng có nhiều người bày tỏ lo ngại về các vấn đề môi trường và đạo đức xuất phát từ tiêu thụ thực phẩm động vật.
Dù vậy, sản lượng sản xuất và tiêu thụ thịt ở Trung Quốc vẫn không ngừng bùng nổ. Trung Quốc hiện giữ vị thế nước sản xuất thịt hàng đầu thế giới, ước tính bình quân một người dân tiêu thụ khoảng 60kg thịt mỗi năm (chủ yếu là thịt lợn, gà và bò). Tại Mỹ, lượng tiêu thụ thịt trên đầu người gấp đôi Trung Quốc, song do dân số Trung Quốc gấp 4 lần Mỹ, tổng lượng tiêu thụ thịt của quốc gia đông dân nhất thế giới vẫn nhiều gấp đôi Mỹ.
Tuần trước, đại diện chính phủ Trung Quốc cùng các nước trên thế giới quy tụ tại Hội nghị thượng đỉnh bàn về biến đổi khí hậu toàn cầu của Liên Hợp Quốc (COP21) ở Paris, Pháp, nhằm thỏa thuận các phương án đương đầu với biến đổi khí hậu. Tham vọng trở thành cường quốc lãnh đạo toàn cầu, Trung Quốc cũng đặt mục tiêu xanh hóa nguồn năng lượng và hạn chế khí thải nhà kính.
Bắc Kinh nhận thức sâu sắc thách thức ô nhiễm nghiêm trọng mình phải đối mặt đi kèm với quá trình phát triển kinh tế, khi hàng ngày người dân phải hít thở trong bầu không khí đầy bụi bặm tại các thành phố lớn và chịu đựng mùi hôi từ những con sông ô nhiễm nặng nề. Lựa chọn mở rộng ngành chăn nuôi theo cấp số nhân, tuy vậy, lại đồng nghĩa với tình trạng gia tăng lượng khí thải như methane, carbon dioxide và các khí nhà kính, N2O, vốn có tác động làm khí quyển nóng lên mạnh gấp 300 lần CO2.
Dự án nhân bản bò là động thái đáp lại nhu cầu tiêu thụ thịt bò không ngừng gia tăng ở Trung Quốc và làn sóng cạnh tranh trong kinh tế nông nghiệp với các quốc gia khác trên thế giới. Theo thống kê của cơ quan nông nghiệp Mỹ năm 2014, Trung Quốc chiếm tới 11,5% sản lượng thịt bò toàn cầu, tương đương 7 triệu tấn.
Trong truyền thống ẩm thực Trung Quốc, thịt bò không phải là món chủ yếu trong bữa ăn của người dân nhiều vùng. Tại miền nam Trung Quốc, nơi Yi trưởng thành, các gia súc có sừng như trâu bò có nhiều giá trị trong sinh kế của hộ nông.
Phải tới cuối những năm 80 của thế kỷ trước, Yi, khi đó ở tuổi thành niên, mới thưởng thức miếng thịt bò đầu tiên trong đời. Ông cho biết, từ lúc đó trở đi, sự xuất hiện của các món từ thịt bò trở nên phổ biến hơn khi văn hóa phương Tây du nhập mạnh vào Trung Quốc, các chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh, bánh hamburger, gà chiên lan rộng khắp quốc gia trong suốt hai thập kỷ.
Trung Quốc dường như đang chịu ảnh hưởng không nhỏ từ thói quen ăn uống phương Tây song song với quá trình mở rộng kinh tế. Bò nhân bản, dù được tạo ra bởi những tiến bộ khoa học, cuối cùng vẫn được đưa vào các nhà máy quy mô công nghiệp, phục vụ cho nhu cầu thực phẩm. Điều đáng nói là, các cơ sở này vốn đã chịu rất nhiều tai tiếng bởi những hiểm họa cho sức khỏe con người thông qua các bệnh lây truyền qua động vật.
Mang cùng một bộ gene, nguy cơ đàn bò nhân bản số lượng lớn không chống chịu nổi khi dịch tấn công thậm chí còn cao hơn thông thường. Gần đây, các trang trại nuôi lợn củaTrung Quốc trở thành tâm điểm chú ý với các nghiên cứu tỉ mỉ của giới khoa học khi trở thành ổ các chủng vi khuẩn kháng thuốc.
Một chủ hàng thịt lợn tại chợ ở Bắc Kinh, thủ đô Trung Quốc. (Ảnh: Tomohiro Ohsumi).
Nguyên nhân xuất phát từ việc trộn thuốc kháng sinh trong thức ăn để tăng khả năng kháng bệnh cho lợn, thúc lợn lớn nhanh và có ngoại hình bắt mắt. Việc lạm dụng kháng sinh trong ngành chăn nuôi ở Trung Quốc và toàn cầu đang ở mức đáng báo động, khiến các nhà khoa học lo ngại thế giới đang bước vào "kỷ nguyên hậu kháng sinh", khi mà các loại kháng sinh nổi tiếng với khả năng chữa bệnh đang dần dần mất đi công dụng.
Trong tương lai, con người có thể cuối cùng sẽ nhân bản thành công động vật mà không cần sử dụng tới kháng sinh trong chăn nuôi. Tuy nhiên, thực phẩm điều chỉnh gene lại vấp phải sự phản đối từ người dân Trung Quốc những năm gần đây. Do đó, nhiều khả năng thịt bò nhân bản sẽ đối diện với sự tẩy chay rất nặng nề, trừ khi các nhà máy chế biến tìm cách che giấu nguồn gốc động vật.
Ngay cả khi các cá thể động vật được nhân bản vượt qua bệnh dịch và sự phản đối của công chúng, chúng vẫn là nguyên nhân sinh ra rác thải và khí methane làm Trái Đất nóng lên.
Trung Quốc, cũng giống như những quốc gia khác học theo khuôn mẫu phát triển phương Tây với lối canh tác nông trường, sẽ thải lượng rác thải động vật khổng lồ vượt xa khả năng kiểm soát của mình. Các loại rác thải này sẽ thâm nhập vào nguồn nước, sông hồ, mà một nửa trong số này vốn đã bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi rác thải công nghiệp và phân bón hóa học. Nông nghiệp theo quy mô công nghiệp khi đó sẽ phải chịu trách nhiệm về nguồn nước ô nhiễm nhiều hơn cả các nhà máy công nghiệp hiện nay.
Một khi việc sản xuất động vật được nhân lên hàng loạt bằng nhân bản, Yi đặt nghi vấn về khả năng Trung Quốc chuẩn bị sẵn kế hoạch đối phó với lượng phân thải khổng lồ? Hay cách bảo vệ mạch nước ngầm quý gia cho sinh hoạt, ăn uống của con người khi thực tế một con bê, tùy thuộc vào từng giai đoạn phát triển, ngốn hết hơn 100 lít nước một ngày. Bò lấy thịt là một trong những loài làm tiêu hao tài nguyên và sản sinh khí thải nhà kính lớn nhất trong số các gia súc lấy thịt.
Nhiều khu vực của Trung Quốc đã đối mặt với nguy cơ mất an ninh nguồn nước. Hàng tỷ USD ngân sách đã được chính phủ nước này chi ra để dẫn nước sạch từ phía nam lên vùng công nghiệp phát triển rầm rộ ở miền bắc, trong đó có mạng lưới đưa nước tới Bắc Kinh và Thiên Tân, nơi nhà máy nhân bản đang được xây dựng và đi vào hoạt động năm 2016.
Trong bối cảnh thành phố Thiên Tân đang đối mặt với tình trạng thiếu thốn nước sinh hoạt, liệu người dân có chấp nhận kế hoạch lấy nguồn nước từ phía nam cung cấp cho đàn bò khổng lồ để thu được sản lượng thịt lớn hơn phục vụ cho tầng lớp thượng lưu mới nổi?
Tảo thâm nhập Thái Hồ - hồ nước ngọt lớn thứ ba Trung Quốc với diện tích 2.250km2 làm ô nhiễm nguồn nước uống của hàng triệu người dân ở tỉnh Giang Tô. (Ảnh: Rex/Imaginechina).
Chính phủ Trung Quốc cũng hiểu rõ nguy cơ mất an ninh lương thực. Quốc gia này nổi tiếng với việc lập quỹ dự trữ thịt lợn nhằm đưa ra bình ổn thị trường khi giá thịt lợn tăng cao. Với số dân đứng đầu thế giới cùng động thái nới bỏ chính sách một con, nền kinh tế Trung Quốc đang đe dọa rút sạch tài nguyên thiên nhiên có hạn trong tương lai. Không khó để hình dung viễn cảnh tương lai khi quỹ đất còn lại và nguồn nước khan hiếm ở quốc gia này bị cạnh tranh bởi những trang trại gia súc quy mô lớn.
Yi dẫn chứng, Trung Quốc trước đây đủ khả năng cung cấp ngũ cốc cho thị trường nội địa, nhưng nay lại trở thành nhà nhập khẩu đậu nành lớn nhất thế giới, với hầu như tất cả lượng đậu nành nhập khẩu dành làm thức ăn cho động vật. Năm 2013-2014, tổng kim ngạch nhập khẩu đậu nành (chủ yếu từ Mỹ và Brazil) của Trung Quốc lên tới 70,4 triệu tấn, gần 6 lần sản lượng nội địa. Nhập khẩu ngô cũng đang trên đà gia tăng. Nguy cơ phụ thuộc sâu sắc của Trung Quốc vào sự ổn định kinh tế và chính trị của nước ngoài để đạt được sản lượng hàng hóa mong muốn, theo Yi, là điều khó tránh khỏi.
Không những thế, các nhà máy khổng lồ như nhà máy nhân bản động vật ở Thiên Tân sẽ thu hẹp không gian sống và gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới phúc lợi động vật. Sức khỏe con người khi tiêu thụ những thực phẩm này do đó cũng bị tác động theo. Chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi nhiều động vật hơn được nhân bản, khi con người nhận thấy đây là một nguồn mang lại lợi nhuận béo bở. Tuy nhiên, các các thể trong đàn bò nhân bản một khi được xác định là không hoàn hảo sẽ bị xẻ thịt hoặc tiêu hủy trên quy mô chưa từng có tiền lệ trong lịch sử.
Thương mại hóa khoa học như kế hoạch đầy tham vọng của Trung Quốc, theo nhận định của Yi, có thể bị các nước phương Tây phản đối. Sự phát triển ồ ạt thiếu vắng các biện pháp bảo tồn sẽ đẩy những giá trị văn hóa truyền thống vốn được coi trọng ở Trung Quốc mất dần theo sự phát triển kinh tế.