Thứ quý hơn cả kim cương ở Biển Đông đang cạn kiệt, Trung Quốc chiếm tới 85%

  •  
  • 6.687

Trung Quốc hiện là nước có hạm đội tàu cá lớn nhất thế giới, trong đó ngành đánh bắt cá của nước này ước tính thu khoảng 60,07 tỷ USD vào 2020.

Tàu Trung Quốc đánh bắt 85% lượng cá ở Biển Đông

Nguồn tài nguyên cá ở khu vực Biển Đông đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt nếu các nước không có những hành động quyết liệt trong vòng 10 năm tới nhằm đối phó với hành động đánh cá tận diệt và tác động từ biến đổi khí hậu, một nghiên cứu từ các nhà khoa học của trường Đại học British Columbia và Quỹ ADM Capital cho biết.

Nghiên cứu cũng cho biết hệ sinh thái biển vốn cũng đang ở tình trạng suy kiệt ở vùng biển Hoa Đông lân cận vẫn còn cơ hội để phục hồi, nhưng đòi hỏi các biện pháp ngay lập tức trong việc duy trì phương thức đánh cá bền vững, ví như sử dụng các lưới đánh cá với mắt lưới to, hay đối phó với các nguy cơ từ biến đổi khí hậu.

Trung Quốc có đội tàu cá lớn nhất thế giới
Trung Quốc có đội tàu cá lớn nhất thế giới. (Ảnh: Xinhua).

"Hoạt động đánh cá bền vững là rất quan trọng để nguồn lực hải sản tiếp tục là nguồn tài nguyên nuôi dưỡng chúng ta", Rashid Sumaila, giáo sư về kinh tế đại dương và là đồng tác giả của báo cáo nói.

Có hơn 7 quốc gia đang tích cực tham gia các hoạt động đánh bắt cá trên Biển Đông với cách thức và chính sách khác nhau. Và việc các nước này không phối hợp với nhau sẽ khiến tình trạng nguồn cá trở nên khan hiếm hơn.

Đồng tác giả báo cáo và là Giáo sư tại Trường Đại học Hồng Kông Yvonne Sadovy số lượng cá nhỏ được dùng làm thức ăn cho các trang trại cá cũng đối mặt với nguy cơ tận diệt.

Theo một nghiên cứu, nước này chiếm khoảng hơn 62% tổng sản lượng thuỷ hải sản toàn cầu. Năm 2016, một nửa các tàu cá của Trung Quốc cũng tham gia bắt các loại cá con, chiếm khoảng 85% lượng đánh bắt cá ở Biển Đông và 57% tại Biển Hoa Đông trong những năm gần đây.

Giá trị hơn kim cương

Theo đó, nghiên cứu của trường Đại học British Columbia và Quỹ ADM Capital được công bố vào tuần trước đã mô phỏng các tác động của biến đổi khí hậu và hành vi đánh cá tận diệt vào năm 2100. Cả hai vùng biển ước tính sẽ mang lại kim ngạch thương mại hàng năm vào khoảng 100 tỷ USD, qua đó đưa khu vực này trở thành hai vùng đánh cá quan trọng nhất ở khu vực tây Thái Bình Dương, cũng như tạo ra nguồn lợi nuôi sống cho hàng triệu người.

Trong từng viễn cảnh biến đổi khí hậu khác nhau, số lượng các loài cá mập hay những loại cá phổ biến như cá mú, cá vược, sẽ suy giảm chỉ còn một phần nhỏ so với số lượng hiện nay vào cuối thế kỷ 21, hoặc thậm chí tuyệt chủng, bà Sumaila nói.

Với tình hình biến đổi khí hậu và các hoạt động đánh cá hiện nay, những loài cá có giá trị thương mại chính ở khu vực Biển Đông có thể giảm tới 90% số lượng vào cuối thế kỉ này, cùng với đó là thiệt hại khoảng 11,5 tỷ USD doanh thu hàng năm vào 2100.

Kể cả trong trường hợp lý tưởng nhất, khi lượng khí phát thải nhà kính được kiểm soát ở mức thấp và các hoạt động đánh bắt cá giảm khoảng 50%, số lượng nguồn hải sản ở Biển Đông cũng sẽ giảm 22% về số lượng các nguồn cá có giá trị thương mại chính, tương đương mức giảm doanh thu hàng năm khoảng 6,7 tỷ USD vào 2100.

Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra việc giảm đánh bắt cá trong 10 năm đầu có thể có tác động lớn trong việc hồi phục tài nguyên cá về lâu dài, qua đó khuyến nghị thúc đẩy các cuộc đối thoại trong khu vực để tăng cường hợp tác quản lý tài nguyên cá giữa các nước, giảm đánh bắt cá con, và áp dụng các chính sách chống biến đổi khí hậu trong quản lý hệ sinh thái biển.

"Cá giá trị hơn kim cương", Sumaila nói. "Đó là bởi khi đào lên một viên kim cương, nó là viên duy nhất. Và bạn không thể tìm kiếm viên khác ở cùng một nơi, nhưng với cá, đó là điều ngược lại nếu được thực hiện theo cách bền vững".

Cập nhật: 23/11/2021 Theo doanhnghieptiepthi
  • 6.687