Thực phẩm và nhiên liệu sạch, chọn cái nào?

  •  
  • 535

Trong các nhân tố làm tăng giá lúa mì, bắp và một số ngũ cốc khác có tác động của nhiên liệu sinh học như ethanol (làm từ lúa mì và bắp), biodiesel (làm từ đậu nành hoặc cây cải dầu). Ethanol, biodiesel là loại nhiên liệu sạch mà chính phủ các nước giàu đang khuyến khích sản xuất để thay thế xăng dầu vừa đắt tiền vừa gây hiệu ứng nhà kính làm trái đất nóng lên. Giữa thực phẩm và nhiên liệu sạch, chọn cái nào đây?

Hàng ngàn dân Mexico đã từng xuống đường nhiều lần trong năm nay để phản đối giá Tortilla (bánh bắp nhân thịt) tăng gấp đôi trong năm nay. Nguyên nhân chính là do các nhà xuất khẩu ham bán bắp cho Mỹ để sản xuất ethanol. Thật ra cũng khó mà trách họ, bởi bán bắp cho Mỹ cao giá hơn bán trong nước hoặc bán cho các nước khác. Chính quyền Mỹ luôn sẵn sàng hỗ trợ giá mua cao hơn bình thường.

Những cuộc biểu tình kể trên phản ánh một cuộc chiến mới ảnh hưởng đến giá cả nông sản toàn thế giới giữa một bên là thực phẩm và bên kia là năng lượng. Lúa mì, bắp hoặc mía đường là nguyên liệu dùng để sản xuất nhiên liệu sinh học nhằm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Chính phủ nhiều nước rất quan tâm đến việc sản xuất loại nhiên liệu sạch vì nó bảo đảm an ninh năng lượng trong thời buổi giá dầu thô tăng chóng mặt mà hiện nay gần đạt 100 USD/thùng.

Chuyện không của riêng ai

Nhà máy sản xuất ethanol từ bắp (Ảnh: NLĐ)

Tại Úc cũng xảy ra tình trạng tương tự như ở Mexico, chỉ khác một điều là ở Úc, bột mì là nông sản số một. Úc là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới. Nhưng vị thế này có thể không còn nữa sau khi chính phủ dự định cho thêm ethanol (chế biến từ lúa mì) vào xăng. Với lượng lúa mì sẵn có, Úc đủ sức sản xuất đủ ethanol để thay thế 3/4 nhu cầu xăng. Nhưng điều này lợi bất cập hại.

Theo David Lamb, thuộc tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghiệp khối thịnh vượng chung (CSIRO) của Úc, nếu thực hiện việc thay thế xăng, dầu bằng ethanol thì “nước Úc phải ngừng ăn và xuất khẩu ngũ cốc”. Ông dự đoán rằng mâu thuẫn trong việc sử dụng đất và nguồn nước sẽ nhân lên gấp nhiều lần nhân danh những yêu cầu trái ngược nhau như bảo vệ môi trường và sản xuất thực phẩm, năng lượng và sợi dệt vải.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OCDE) cũng cảnh báo rằng việc dùng sản phẩm nông nghiệp để sản xuất nhiên liệu sạch sẽ làm tăng giá thực phẩm vì lúc đó cầu vượt cung. Tháng 10 vừa qua, một báo cáo của OCDE nói rõ: Việc phát triển nhanh chóng ngành năng lượng sinh học có thể tạo ra một cơn sốt giá cả lương thực kéo dài ít nhất 10 năm”.

Lo sợ giá cả lương thực tăng mãi, những người tiêu dùng Úc phản đối các dự án thêm ethanol vào xăng, dầu của chính phủ và chính sách trợ giá nhiên liệu sinh học. Bà Helen Murray, Chủ tịch Tổ chức ALFA, bảo vệ quyền lợi các nhà chăn nuôi Úc, phát biểu tại hội nghị ethanol tại bang Brisbane: “Chúng ta vừa trải qua những năm hạn hán rất bất lợi cho sản xuất lương thực và chăn nuôi. Nếu áp đặt quota sản xuất ethanol thì áp lực làm tăng giá lương thực sẽ càng nặng thêm”.

Tại Mỹ, cuộc tranh cãi về thực phẩm và nhiên liệu sinh học cũng căng thẳng không kém. Phía nhà nông lợi dụng chính sách trợ giá của chính phủ dành cho ethanol gia tăng diện tích trồng bắp (để sản xuất ethanol), thu hẹp diện tích các loại ngũ cốc khác như đậu nành. Thật dễ hiểu tại sao giá các loại ngũ cốc ở Mỹ tăng không ngừng. Và người lãnh đủ hậu quả không ai khác hơn là người tiêu dùng mà trước tiên là người dân các nước nghèo. Theo Tổ chức Lương nông của Liên Hiệp Quốc, nhu cầu nhập ngũ cốc của các nước nghèo trong hai năm 2007-2008 lên đến 52 tỉ USD. Với đà tăng giá lương thực hiện nay do cầu vượt cung, các nước này phải bỏ thêm 28 tỉ USD mới nhập được số lượng dự kiến. Trong tình hình đó, họ phải cắt giảm nhập khẩu lương thực và cái ăn đối với người dân các nước nghèo trở thành một thứ xa xỉ.

Bã mía, nguyên liệu sản xuất ethanol thế hệ hai (Ảnh: NLĐ)

Những hậu quả của việc tăng giá phi mã lương thực trong quá khứ đã từng để lại những bài học xương máu. Carl Weinberg, trưởng kinh tế gia của văn phòng phân tích High Frenquency Economics ở New York, cho biết dự trữ lương thực trên thế giới đang ở mức thấp nhất kể từ 30 năm nay. Tình hình này từng xảy ra vào năm 1972. Lúc đó cơn sốt giá lương thực - thực phẩm cộng với giá dầu thô cao ngất ngưởng đã làm nền kinh tế Mỹ suy thoái kéo theo cả nền kinh tế thế giới. Điều này cho thấy sự nguy hiểm của việc tăng giá lương thực-thực phẩm.

Đã có lối thoát

Trong tình hình đó, có nên từ bỏ chính sách sản xuất nhiên liệu sinh học từ ngũ cốc? Theo nhật báo The Wall Street Journal, Chính phủ Trung Quốc đã ngưng cấp phép xây dựng nhà máy sản xuất ethanol từ bắp. Nhưng Mỹ và châu Âu vẫn cương quyết giữ vững lập trường thay thế xăng dầu bằng các loại nhiên liệu sinh học. Những người bảo vệ nhiên liệu sinh học lý luận rằng dùng ngũ cốc để sản xuất nhiên liệu sạch hiện nay chỉ là tạm thời. Các nhà khoa học đang tập trung nghiên cứu và sản xuất thử nhiên liệu sạch thế hệ thứ hai.

Theo họ, nhiên liệu sạch tương lai sẽ được sản xuất từ các loại cây trồng trên các vùng đất xấu như cây khuynh diệp hoặc các thứ bỏ đi như rơm, lõi bắp, bã mía v.v... Những thứ này không cạnh tranh với ngũ cốc vì thế sẽ không ảnh hưởng tới giá cả lương thực. Nguyên liệu này còn có ưu điểm rẻ và khả năng giảm hiệu ứng nhà kính cũng cao hơn.

Theo nhật báo The Sydney Morning Herald (Úc), Mỹ đã đầu tư hơn 600 triệu USD vào công nghệ sản xuất nhiên liệu sinh học thế hệ hai. Mục đích của Mỹ là sản xuất ethanol theo công nghệ mới nhiều gấp đôi loại ethanol gốc bắp từ nay đến năm 2020. Chính phủ Úc cũng đã đầu tư 15 triệu đô Úc vào một chương trình tương tự nhưng phải đợi 5-10 năm nữa mới thương mại hóa được loại nhiên liệu này. Dù sao đây là một giải pháp hay, tránh được mâu thuẫn muốn có nhiên liệu sạch phải hy sinh lương thực.

VĂN ANH

Theo Người lao động
  • 535