Viện Đại dương Schmidt chia sẻ thước phim hiếm ghi hình mực mắt đen mang theo khối trứng giống chiếc váy dài dưới biển.
Mực mắt đen đang ấp khối trứng lớn. (Video: Viện Đại dương Schmidt)
Các nhà nghiên cứu phát hiện mực mắt đen (Gonatus onyx), một trong số ít những loài mực ống có khả năng ấp trứng, trong chuyến thám hiểm ngoài khơi bờ biển Costa Rica, Live Science hôm 4/1 đưa tin.
"Khối trứng lớn gắn vào những chiếc móc trên các cánh tay của mực. Trong vài tháng mang theo khối trứng, chúng sẽ không ăn gì", đại diện của Viện Đại dương Schmidt, đơn vị tổ chức chuyến thám hiểm, giải thích khi đăng thước phim về mực mắt đen lên mạng xã hội. Thước phim ấn tượng cho thấy con mực kéo theo khối trứng như một chiếc váy dài và vỗ những chiếc vây trên đầu một cách uyển chuyển để bơi trong nước.
Các nhà sinh vật biển từng cho rằng mực mắt đen và các loài mực ống khác đẻ trứng thành từng cụm dưới đáy biển, để chúng tự phát triển và nở. Nhưng vào năm 2001, Brad Seibel, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Viện Nghiên cứu Thủy cung Vịnh Monterey (MBARI), bác bỏ ý kiến này. Seibal đã quan sát một con mực mắt đen đang ấp bọc trứng ở hẻm Monterey, ngoài khơi bờ biển California, Mỹ, qua ống kính của tàu lặn điều khiển từ xa.
Khối trứng lớn gắn vào những chiếc móc trên các cánh tay của mực.
Trong một nghiên cứu năm 2005, Seibel cùng các đồng nghiệp đã mô tả hành vi ấp trứng của mực mắt đen cái. Chúng có thể mang tới 3.000 quả trứng và di chuyển trong vùng nước thoáng cho đến khi những con non nở ra và bơi đi. Mực sử dụng các cánh tay để bơm nước qua khối trứng, giúp cung cấp oxy cho trứng.
Mực mắt đen nằm trong số những loài động vật chân đầu có số lượng nhiều nhất ở Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Ở Bắc Thái Bình Dương, loài vật này thường được tìm thấy ở độ sâu trên 1.900 m. Chúng có độ nổi trung tính, nghĩa là không cần bất cứ nỗ lực nào để trôi nổi hay bơi, nhưng mực đang ấp trứng không thể bơi nhanh và có thể trở thành con mồi dễ dàng với những loài thú biển lặn sâu.