Các nhà nghiên cứu phân tích hóa học chiếc bình hình thần Bes từ thế kỷ 2 trước Công nguyên và phát hiện nó từng chứa hợp chất pha chế làm thay đổi trạng thái nhận thức.
Chiếc bình hình thần Bes vẫn còn dấu vết của chất gây ảo giác. (Ảnh: Bảo tàng Nghệ thuật Tampa).
Nhóm nghiên cứu đến từ nhiều viện khác nhau ở Italy và Mỹ xác định nguyên liệu chính trong hợp chất gây ảo giác trong chiếc bình cổ, trong đó có hai loại thực vật tạo ra dạng hóa chất giống DMT hay psilocybin, thuốc gây ảo giác hiện đại. Phân tích của họ hé lộ dấu vết của cây Peganum harmala, Nimphaea caerulea, và một loài cây thuộc chi Cleome, tất cả đều có công dụng an thần hoặc chữa bệnh, Popular Science hôm 15/6 đưa tin.
Theo nhóm nghiên cứu, hợp chất gây ảo giác trong bình hình thần Bes được dùng bởi những thành viên trong giáo phái cổ đại hoạt động ở Ai Cập dưới thời vương triều Ptolemaic. Vị thần lùn này gắn liền với sức mạnh xua đuổi tà ma. Các nhà khoa học phân tích cặn hữu cơ thu thập từ chiếc bình nằm trong bộ sưu tập Ai Cập ở Bảo tàng Nghệ thuật Tampa tại Florida. Sử dụng kết hợp nhiều phương pháp công nghệ cao, họ rất kinh ngạc với những gì phát hiện được.
Thành phần chủ chốt trong chất gây ảo giác là loài thực vật có tên khoa học Peganum harmala, hay còn gọi là Syria rue. Hạt của cây này sản sinh lượng harmine và harmaline, những hợp chất tạo ra hình ảnh giống giấc mơ. Syrian rue vẫn được sử dụng ngày nay, kết hợp các thực vật khác để tạo ra đồ uống có ảnh hưởng tương tự cây ayahuasca ở Nam Mỹ.
Loài cây gây ảo giác mạnh thứ hai trong hợp chất là hoa súng xanh (Nymphaea caerulea). Kết hợp tất cả dữ liệu, nhóm nghiên cứu kết luận người Ai Cập cổ xưa sử dụng chúng cho mục đích tiến hành nghi thức. Ngoài ra, phân tích hóa học hé lộ trong hợp chất ở bình còn chứa một số chất dịch của con người như máu và sữa.
Theo các nhà khoa học, thông qua ăn hợp chất gây ảo giác, người Ai Cập cách đây hàng nghìn năm muốn mở ra cánh cửa thông giữa các chiều không gian để gặp gỡ thần Bes, vị thần hùng mạnh mà họ muốn tìm kiếm sự bảo hộ.