Mảnh tinh thể zircon màu xanh dương đẹp mắt có niên đại khoảng 4,4 tỷ năm là bằng chứng về mảnh vỏ Trái đất lâu đời nhất.
Tinh thể đá zircon hình thành chỉ sau Hệ Mặt trời 160 triệu năm. (Ảnh: John Valley).
Tinh thể cổ đại được tìm thấy ở rìa bang Tây Australia tại vỉa đá hẻo lánh mang tên Jack Hills. Trong một nghiên cứu vào năm 2014 trên tạp chí Nature Geoscience, các nhà khoa học xác định niên đại của mẫu vật là 4,39 tỷ năm, biến nó thành vật thể rắn lâu đời nhất từng được tìm thấy trên Trái đất, theo IFL Science.
Trước nghiên cứu, giới khoa học đã biết zircon nằm trong số vật liệu địa chất cổ xưa nhất hành tinh, hình thành như khoáng chất bên trong magma khi chúng nguội đi. Zircon rất cứng và có thể tồn tại hàng tỷ năm, ngay cả khi chịu nhiệt độ hoặc áp suất dữ dội. Nhờ đó, chúng trở thành viên nang thời gian hoàn hảo lưu giữ lịch sử thuở sơ khai của Trái đất. Tinh thể zircon cực kỳ nhỏ, gần như không thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Ra đời chỉ 160 triệu năm sau khi Hệ Mặt trời hình thành, mẫu vật được tạo ra chỉ vài chục năm từ khi Trái đất sơ khai đâm vào vật thể lớn cỡ sao Hỏa, tạo ra Mặt trăng và biến hành tinh thành khối cầu đá nóng chảy đỏ rực. Do tinh thể zircon khoảng 4,4 tỷ năm tuổi, Trái đất khi đó chắc chắn đã nguội đi và hình thành lớp vỏ. Theo khung thời gian này, mẫu vật zircon tiền sử là bằng chứng Trái đất đã phát triển môi trường nước lỏng cách đây khoảng 4,3 tỷ năm và sự sống có thể ra đời không lâu sau đó.
Kết quả nghiên cứu giúp các nhà khoa học hiểu rõ Trái đất nguội đi và trở thành nơi ở được như thế nào. Họ cũng có thể tìm hiểu quá trình những hành tinh ở được khác hình thành. Phát hiện này góp phần củng cố lý thuyết "Trái đất lạnh sớm" và nhiệt độ đủ thấp để duy trì các đại dương và sự sống có thể hình thành sớm hơn so với những suy nghĩ trước đây, theo giáo sư John Valley, nhà hóa học Địa chất ở Đại học Wisconsin-Madison.