Tòa cao ốc được xây "từ trên xuống dưới", các khối tầng nặng 500 tấn được nâng lên nhẹ nhàng như đi thang máy

  •  
  • 701

Công nghệ xây dựng mới này cho phép giảm chi phí, nhân công và đẩy nhanh tiến độ xây dựng hơn các phương pháp truyền thống.

Tòa tháp Exchange ở thành phố Detroit, bang Michigan của Mỹ sắp hoàn thành là bằng chứng hùng hồn cao 63 mét về kỹ thuật xây dựng mô-đun tiên tiến. Theo đó, mỗi tầng của tòa nhà được xây dựng sẵn trên mặt đất, sau đó được cẩu lên trên các cột trung tâm và lắp đặt từ trên xuống.

Khu đất xây dựng tòa nhà ban đầu có hình tam giác và nằm sát một hệ thống giao thông công cộng trên cao. Điều này gây khó xử cho nhà đầu tư, bởi sẽ không thể xây dựng một tòa tháp có chiều cao tương ứng bằng các phương pháp xây dựng truyền thống với các tháp cần cẩu.


Tòa nhà này được hoàn thiện từ trên xuống dưới.

Đó cũng là lý do họ chọn sử dụng hệ thống xây dựng của Liftbuild, sử dụng một phiên bản siêu mô-đun của kỹ thuật "sàn nâng" có nguồn gốc từ đầu những năm 1950. Tuy nhiên, trong phiên bản hiện đại, nó đã được cải tiến nhiều hơn. Về quy trình xây dựng thì đầu tiên, nền móng được chuẩn bị và một số trụ trung tâm được xây dựng, với cầu thang bộ và thang máy bên trong, cao tới hết toàn bộ chiều cao của tòa nhà.

Sau đó, mỗi tầng bắt đầu từ phần mái được xây sát mặt đất, với khung thép và các tấm bê tông, sau đó đến mặt tiền, sàn, tường, điện, hệ thống ống nước, phòng cháy chữa cháy, ống dẫn và những thứ tương tự.


Các tầng ban đầu mất tới 10 giờ để nâng lên đúng vị trí.

Phối hợp với nhiều nhà thầu khác nhau, Liftbuild đảm bảo mọi thứ có thể được thực hiện trên mặt đất thông qua việc tạo ra một khu vực lắp ráp kiểu nhà máy, nơi các bộ phận chế tạo sẵn có thể nhanh chóng được lắp vào và việc nâng hạ được giữ ở mức tối thiểu. Bất cứ thứ gì cần được lắp bên dưới tấm sàn đều có thể được thực hiện bằng cách kích toàn bộ tầng lên một độ cao nhất định để dễ thi công.

Sau khi mỗi tầng nặng 500 tấn đã sẵn sàng, chúng sẽ được nâng lên đỉnh bằng tám dây cáp cực khỏe. Các tầng trên cùng sẽ mất khoảng 10 giờ để nâng. Và khi đã vào vị trí, một kết nối bắt vít độc quyền sẽ khóa vĩnh viễn sàn với các trụ. Trong trường hợp của tòa nhà Exchange, không có thêm các cấu trúc hoặc giàn liên quan để hỗ trợ. Mỗi tầng là một thiết kế đúc chỉ được giữ bởi hai cột trụ, vì vậy không có cột trụ bên ngoài nào cản tầm nhìn từ cửa sổ mỗi căn phòng. Bức tường duy nhất của mỗi tầng chính là cột trụ nằm giữa, vì vậy các nhà thiết kế có thể thoải mái bố trí nội thất theo cách họ muốn.


Quá trình xây dựng tòa nhà Exchange.

Công ty mẹ của Liftbuild, Barton Marlow, đã chỉ đạo thiết kế và xây dựng, đồng thời tài trợ cho dự án như một minh chứng cho khả năng công nghệ của hãng. Công ty cho biết đây sẽ là một bước tiến vượt bậc về mặt an toàn cho người lao động, vì một khi cột trụ được dựng lên, không ai phải làm việc trên cao hoặc sử dụng dây treo ở bên ngoài như các tòa nhà truyền thống.

Và tất nhiên, cải tiến công nghệ cũng làm cho mọi thứ rẻ hơn và lắp đặt nhanh hơn. Liftbuild cho biết chi phí thi công rẻ hơn tới 10-20% và nhanh hơn tới 50% so với cách xây dựng thông thường, đồng thời sử dụng ít nhân công hơn đáng kể. Dù vậy, họ sẽ cần phải chứng minh những tuyên bố này trong các công trình tiếp theo khi phương pháp này được cải thiện thêm.


Toàn bộ các tầng được xây lắp sát mặt đất, xung quanh hai cột trụ trung tâm của tòa nhà, sau đó được nâng lên để lắp đặt từ trên mái xuống.

Kể từ cuối tháng 1 vừa qua, tất cả các tầng có thể nâng được đã được cố định tại chỗ, chỉ còn lại hai tầng dưới cùng, sẽ được xây dựng theo cách thông thường.

Trên thực tế, dù đây là công trình đầu tiên ở Mỹ sử dụng loại công nghệ xây dựng này, nhưng các phiên bản sớm hơn và kém hoàn thiện hơn của nó đã được sử dụng trước đây.

Vào năm 2018, một tòa nhà văn phòng hình chữ L cao 10 tầng ở Bangalore, Ấn Độ đã được dựng lên bằng phương pháp này. Bạn có thể xem tiến trình xây dựng qua video timelapse bên dưới.


Quá trình xây dựng tòa nhà văn phòng ở Bangalore, Ấn Độ.

Cập nhật: 09/02/2023 Tổ Quốc
  • 701