Tối hôm qua mặt trăng ở vị trí gần nhất so với trái đất, vì thế chúng ta thấy nó to nhất và sáng nhất trong năm 2010.
Trăng tròn to hơn và sáng hơn khi nó ở vị trí gần nhất so với quả đất. Ảnh: AP.
Mặt trăng cách trái đất 384.403 km và xoay quanh hành tinh của chúng ta trên một quỹ đạo hình elip gần tròn với cận điểm (vị trí gần nhất) cách 363.104 km và viễn điểm (vị trí xa nhất) cách 405.696 km. Chu kỳ của quỹ đạo khoảng 27,321 ngày. Cứ mỗi năm mặt trăng tiến tới cận điểm một hoặc hai lần khi nó tròn. Sự trùng hợp đó xảy ra vào tối qua, khiến mặt trăng trở nên to 14% và sáng hơn 30% so với những lần trăng tròn khác trong năm 2010, theo tính toán của trang Spaceweather.com.
Trong buổi tối hôm qua chúng ta cũng có thể chiêm ngưỡng sao Hỏa, bởi hành tinh này xuất hiện ngay phía bên trái mặt trăng và có màu đỏ.
Nhiều người nghĩ hiện tượng trăng tròn gây nên hành vi khác thường ở người và động vật. Theo Space, trên thực tế nhiều nhà khoa học đã cố gắng chứng minh rằng trăng tròn làm tăng tỷ lệ đau tim, tử vong, tự sát, hành động bạo lực, loạn tâm thần, động kinh và nhiều thứ khác. Tuy nhiên, những bằng chứng mà họ đưa ra khá mơ hồ hoặc không được chấp nhận rộng rãi.
Ảo giác mặt trăng
Nếu quan sát trăng tròn vào lúc mặt trời sắp lặn, chúng ta sẽ thấy rằng mặt trăng có vẻ to hơn ở đường chân trời. Đó chỉ là ảo giác. Bạn có thể tự chứng minh điều này bằng cách lấy một vật thể nhỏ - như bút chì hay đũa - rồi đưa ra trước mặt để so sánh kích thước của nó so với mặt trăng. Vào buổi tối bạn hãy lặp lại thử nghiệm một lần nữa và sẽ nhận ra rằng kích thước của nó tương đương lúc hoàng hôn. Một cách khác là chụp ảnh trăng tròn vào lúc hoàng hôn và buổi tối bằng máy ảnh hoặc điện thoại di động. Sau đó bạn đưa hai ảnh lên màn hình máy tính để so sách kích thước mặt trăng.
Space cho biết, cho tới nay các nhà thiên văn và giới tâm lý vẫn chưa thống nhất được cách giải thích về ảo giác mặt trăng.