Sự chênh lệch của hai môi trường khác nhau sẽ kéo theo loạt thay đổi cơ thể và tác nhân gây bệnh nữa đấy.
Trở thành một phi hành gia vốn không phải là một điều dễ dàng khi các ứng viên phải trải qua một quá trình tập luyện, sát hạch trong nhiều tháng liền ở mặt đất.
67 đến 75% phi hành gia mắc phải Hội chứng đáp ứng không gian.
Sau đó, những bài kiểm tra về thể lực và kỹ năng được đưa ra để quyết định xem họ có được tham gia vào chuyến du hành vượt không gian sắp tới hay không. Điều này chứng tỏ các phi hành gia đã được đảm bảo sức khỏe tốt nhất khi bước lên phi thuyền.
Thế nhưng, chuyện gì sẽ xảy ra với cơ thể của phi hành gia khi trong môi trường không trọng lực nhỉ? Cũng như họ có thể bị bệnh trong lúc đang trên phi thuyền hay không?
Theo báo cáo từ trung tâm NASA, Hoa Kỳ, có khoảng 67 đến 75% phi hành gia mắc phải Hội chứng đáp ứng không gian (Space adaptation syndrome - SAS) khi đang thực hiện các chuyến đi trên phi thuyền.
Nôn ói – một trong những dấu hiệu thường gặp trong hội chứng SAS.
Nguyên nhân này là do trong môi trường không trọng lực, áp suất chênh lệch đột ngột - dịch của các cơ quan trong cơ thể bị ứ đọng lại tạm thời, đặc biệt các chất nhầy (mucus) ở khoang xoang quanh mũi (sinus) ách tắc.
Điều này khiến một loạt triệu chứng như buồn nôn, nhức đầu, hắt hơi và ói diễn ra ngay khi vừa rời Trái Đất. Vài ngày sau, cơ thể họ mới dần thích nghi được.
Chưa hết, hệ thống miễn dịch của con người trong môi trường này cũng yếu hẳn. Một phần do cơ thể giảm tế bào dịch như T-cells giúp kháng viêm hay đại thực bào giúp "hạ gục" các vi khuẩn có hại.
Còn về tác nhân gây bệnh (pathogen), theo kết quả nghiên cứu bệnh học của NASA đăng trên tạp chí TIME: Trong môi trường không trọng lực, màng tế bào (cell walls) của vi khuẩn sẽ được củng cố, khiến chúng chống chọi được áp lực trên không.
Nguy cơ mắc bệnh của phi hành gia vẫn tồn tại một tỷ lệ nhất định.
"Chúng ta biết rằng, độ ẩm có tác động rất lớn đến vi khuẩn gây bệnh. Với môi trường khắc nghiệt như ở trong không gian, vi khuẩn cũng phải tìm cách "thích nghi" để tồn tại" - bác sĩ Leonard Mermels thuộc bệnh viện Rhode Island cho biết.
Vì thế, nguy cơ mắc bệnh của phi hành gia vẫn tồn tại một tỷ lệ nhất định. Khi sức khỏe có phần giảm sút, mầm bệnh vẫn "chu du" trong không gian thì khó ai nói trước được điều gì.
Do đó, việc phòng ngừa bệnh là hết sức quan trọng đối với các phi hành gia. Một loạt khâu kiểm tra tình trạng vô khuẩn ở khoang tàu hay thực phẩm được sàng lọc kĩ lưỡng để đảm bảo trước khi cất cánh.
Trong suốt chuyến hành trình, sẽ có bác sĩ luôn túc trực ở mặt đất nếu phi hành gia gặp vấn đề sức khỏe. Qua tin nhắn được chuyển từ phi thuyền đến ISS (International Space Station – Trạm không gian quốc tế), bác sĩ sẽ làm nhiệm vụ hướng dẫn, đưa ra lời khuyên và trấn an các phi hành gia.
Vì thế, đừng nghĩ là ngoài vu trụ thì mầm bệnh trên Trái đất sẽ biến mất, chỉ là chúng "giấu mặt" đi mà thôi.