Hãy cùng tìm hiểu góc khuất "đen tối" trong thế giới của lũ "lạch bạch".
Vịt, cái tên khiến chúng ta liên tưởng ngay tới những con vật có dáng đi lạch bạch, cùng vẻ ngoài hơi "ngô ngố" đáng yêu.
Thế nhưng đúng với câu nói của ông bà ta là "đừng trông mặt mà bắt hình dong", loài vịt trông ra vẻ hiền lành thế thôi, nhưng một số hành vi của chúng có thể khiến con người chúng ta phải sởn gai ốc đấy.
Vịt tự tử có thể do chúng đã mắc phải một chứng bệnh rối loạn nào đó.
Theo lời kể của tài khoản trên diễn đàn Quora mang tên Michael Manazaneta, ngày còn bé cô đã chứng kiến một chú vịt bị thương do trúng đạn vào cánh. Điều đáng sợ ở đây là sau khi bị thương, con vịt đã bơi đến tảng đá gần đó và... tự đập đầu cho đến chết!
Một lần khác, cô lại thấy hoàn cảnh còn kinh dị hơn. Một chú vịt đã bị thương ở đầu và cổ do va trúng đá. Vết thương cũng không quá nặng, nhưng liền sau đó thì khoảng 40 con khác trong đàn đã tập hợp lại, rồi mổ chú vịt đáng thương cho đến chết.
Một trường hợp "hành quyết" khác được kể lại bởi Avery Cantor. Anh đã trông thấy một con vịt bị mắc vào dây câu, và cạnh đó có một con khác đang liên tục dùng chân nhấn chìm con vịt bị nạn kia.
Việc vịt đánh hội đồng con bị thương có thể do vịt có tính xã hội phân cấp bậc.
Kì lạ hơn là sau khi Avery gỡ được dây câu ra, thì con vịt kia liền ngưng tấn công. Cả hai sau đó lại bơi tung tăng trong hồ như chưa hề có chuyện gì xảy ra.
Đối với trường hợp tự tử thì không chỉ vịt mà nhiều loài động vật khác cũng đã được ghi nhận hành vi này, bao gồm chó, ngựa, hươu, mèo, cá heo, vv... Dù hiện tại vẫn còn nhiều tranh luận về nguyên nhân, nhưng cũng đã có một số bằng chứng khá thuyết phục.
Chẳng hạn như việc các nhà khoa học đã phát hiện ra động vật cũng có thể mắc bệnh về tâm thần giống con người, bao gồm trầm cảm và stress sau chấn thương. Vì thế những tình huống vịt tự tử vì bị thương hoặc sau khi bạn đời chết đi có thể là do chúng đã mắc phải một chứng bệnh rối loạn nào đó.
Mùi tanh của máu khiến khiến vịt lao vào tấn công không thương tiếc kẻ xấu số.
Trường hợp vịt "đánh hội đồng" các con bị thương thì sao? Dù đây là điều mà không ít người chủ chăn nuôi loài thủy cầm này được chứng kiến, không nhiều nhà khoa học giải đáp được nó.
Một số giả thuyết được đặt ra, nổi bật nhất là việc vịt có tính xã hội phân cấp bậc. Các con yếu nhất sẽ bị mổ cho đến khi chúng biết được "vị trí" mình ở đâu, và trong trường hợp này đó là những con đã bị thương.
Đồng thời, khi những con vịt bị thương chảy máu, thì chính mùi tanh cùng màu đỏ của máu đã kích động sự căng thẳng và hung hăng của các con vịt còn lại. Nó giống một dấu hiệu nguy hiểm, khiến chúng lao vào tấn công không thương tiếc kẻ xấu số.
Kết: Những hành vi quái dị vừa kể của loài vịt vẫn còn nhiều điều bí ẩn và chưa có được một lời giải đáp khoa học chính thức. Và sau khi biết lũ hai chân "lạch bạch" này có thể đáng sợ đến mức nào thì bạn liệu có còn thấy chúng "ngô ngố dễ cưng" nữa không?