Trữ lượng đất hiếm tại Việt Nam như thế nào so với thế giới?

  •  
  • 1.099

Các nguyên tố đất hiếm được phân bố rải rác trên khắp thế giới. Tuy nhiên, việc khai thác và tinh chế đất hiếm rất khó khăn và tốn kém, khiến chúng trở thành nguồn tài nguyên vô cùng quý giá.

Những quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới

Đất hiếm (Rare-earth element - REE) là tên gọi chung của một nhóm 17 nguyên tố hóa học thuộc bảng tuần hoàn, bao gồm Scandi (Sc), Ytri (Y) và 15 nguyên tố của nhóm Lanthan (La, Ce, Pr, Nd, Pm, Sm, Eu, Gd, Tb, Dy, Ho, Er, Tm, Yb, Lu).

Đất hiếm là nguyên liệu quan trọng trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao như điện tử, quang điện, laser, vật liệu siêu dẫn, chất phát quang, xúc tác, nam châm, chế tạo vũ khí, thiết bị y tế… do vậy đây được xem là một nguồn tài nguyên rất quý giá.

Trữ lượng đất hiếm của các quốc gia trên thế giới.
Trữ lượng đất hiếm của các quốc gia trên thế giới. (Ảnh: Alamy).

Theo ước tính của Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, trữ lượng đất hiếm của thế giới là khoảng 120 triệu tấn.

Trong đó, 5 quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới là:

  • 1. Trung Quốc: 44 triệu tấn (chiếm 37,9% trữ lượng toàn cầu)
  • 2. Việt Nam: 22 triệu tấn (chiếm 18,9%)
  • 3. Brazil: 21 triệu tấn (chiếm 18,1%)
  • 4. Nga: 12 triệu tấn (chiếm 10,3%)
  • 5. Ấn Độ: 6,9 triệu tấn (chiếm 5,9%)

Các quốc gia khác có trữ lượng đất hiếm đáng kể bao gồm:

  • Úc: 4,1 triệu tấn
  • Mỹ: 1,5 triệu tấn
  • Đảo Greenland: 1,5 triệu tấn
  • Tanzania: 0,89 triệu tấn
  • Canada: 0,8 triệu tấn

Đất hiếm
Các mỏ đất hiếm là nguồn tài nguyên thiên nhiên rất có giá trị do đất hiếm có rất nhiều ứng dụng, nhất là trong ngành công nghệ cao (Ảnh: Agmental Miner).

Các mỏ đất hiếm có trữ lượng lớn tại Việt Nam

Đất hiếm ở Việt Nam chủ yếu tập trung ở các vùng núi phía Bắc, ở các tỉnh như Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái và phân bố trải dài tại các tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ và Trung Bộ như Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Bình Thuận…

Các mỏ đất hiếm có trữ lượng lớn tại Việt Nam bao gồm:

Mỏ đất hiếm Nậm Xê: xã Nậm Xê, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Diện tích 125,98 km2. Trữ lượng ước tính khoảng 10 triệu tấn.

 Cơ quan chức năng kiểm tra hiện trạng mỏ đất hiếm Đông Pao.
Cơ quan chức năng kiểm tra hiện trạng mỏ đất hiếm Đông Pao. (Ảnh: Cổng TTĐT huyện Tam Đường).

Mỏ đất hiếm Đông Pao: xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Diện tích 53,99 km2. Trữ lượng ước tính từ 8 đến 10 triệu tấn.

Mỏ đất hiếm Mường Hum: xã Mường Hum, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Diện tích 26,84 km2. Chưa rõ trữ lượng chính xác, nhưng được đánh giá có trữ lượng lớn.

Mỏ đất hiếm Yên Phú: xã Yên Phú, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Trữ lượng ước tính 20.000 tấn.

Các mỏ đất hiếm với trữ lượng thấp hơn nhưng có nhiều tiềm năng để khai thác:

  • Mỏ Kỳ Ninh: xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh.
  • Mỏ Kẻ Sung ở Thừa Thiên-Huế.
  • Mỏ Cát Khánh: xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.
  • Mỏ Hàm Tân, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận.

Việt Nam có xuất khẩu đất hiếm không?

Theo ước tính của Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, Việt Nam có trữ lượng đất hiếm khoảng 22 triệu tấn, đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc.

Việt Nam đã bắt đầu khai thác đất hiếm khoảng từ năm 2014, nhưng việc khai thác và xuất khẩu đất hiếm của Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, hình thức khai thác vẫn nhỏ lẻ, thậm chí còn xuất hiện tình trạng khai thác và buôn lậu đất hiếm.

Ngoài ra, Việt Nam vẫn chưa có khả năng chế biến sâu đất hiếm để phân tách các nguyên tố đất hiếm riêng lẻ, mà chủ yếu xuất khẩu đất hiếm dưới dạng quặng thô có giá thành không cao.

Mẫu quặng đất hiếm được khai thác từ mỏ Nậm Xê.
Mẫu quặng đất hiếm được khai thác từ mỏ Nậm Xê. (Ảnh: Bộ Khoa học và Công nghệ).

Cuối năm 2022, Việt Nam đạt được thỏa thuận xuất khẩu đất hiếm sang Hàn Quốc, với sản lượng 1.000 tấn/năm, sau đó tăng lên mức 2.000 tấn/năm.

Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2023 và tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 7, Việt Nam dự tính đạt mục tiêu khai thác hơn 2 triệu tấn quặng đất hiếm mỗi năm. 2 mỏ được tập trung đầu tư để khai thác là Yên Phú (Yên Bái) và Đông Pao (Lai Châu).

Đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu khai thác 2,1 triệu tấn quặng đất hiếm để xuất khẩu đi các nước.

Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư quá trình thăm dò, khai thác và chế biến đất hiếm.

Việt Nam cũng cần phát triển hoặc nhập khẩu, chuyển giao các công nghệ khai thác đất hiếm thân thiện với môi trường từ các quốc gia có kinh nghiệm trong khai thác đất hiếm, tránh hạn chế tối đa những tác hại xấu về môi trường trong quá trình khai thác loại tài nguyên quý giá này.

Cập nhật: 10/10/2023 Dân Trí
  • 1.099