Trung Quốc sẽ đưa cây và côn trùng lên Mặt trăng năm 2018

  •  
  • 727

Các nhà khoa học sẽ đưa hạt giống và trứng tằm tơ lên Mặt Trăng trong nhiệm vụ không gian Hằng Nga 4.

Trung Quốc dự định thực hiện nhiệm vụ không gian Hằng Nga 4 nhằm nghiên cứu địa chất và tìm hiểu tác động của lực hấp dẫn trên Mặt Trăng đến côn trùng và thực vật từ Trái đất trong năm nay, Futurism hôm 5/1 đưa tin.

Trước đó, Trung Quốc đã đưa hai tàu vũ trụ lên quỹ đạo Mặt Trăng và một phương tiện thám hiểm hạ cánh xuống bề mặt nơi này theo chương trình Khám phá Mặt trăng Trung Quốc (CLEP), hay chương trình Hằng Nga.

Trung Quốc sẽ nghiên cứu tác động của môi trường trên Mặt Trăng đến sinh vật Trái Đất.
Trung Quốc sẽ nghiên cứu tác động của môi trường trên Mặt Trăng đến sinh vật Trái đất. (Ảnh: Ancient Code).

Nhiệm vụ Hằng Nga 4 sẽ bắt đầu vào tháng 6 với sự kiện phóng tên lửa Long March 5 mang theo một tàu vũ trụ lên quỹ đạo Mặt trăng. Sáu tháng sau khi con tàu đến vị trí dự định trên quỹ đạo, một phương tiện tiếp đất cùng xe thám hiểm sẽ được phóng xuống bề mặt Mặt Trăng.

Phương tiện tiếp đất này mang theo một thùng hợp kim nhôm đựng hạt giống và côn trùng sống phục vụ nghiên cứu, gồm khoai tây, hạt cải và trứng tằm tơ, theo Zhang Yuanxun, chuyên gia thiết kế chính của thùng chứa. Tằm tơ nở ra từ trứng sẽ sản sinh CO2. Trong khi đó, khoai tây và hạt cải sẽ tạo ra oxy nhờ quá trình quang hợp.

"Chúng có thể cùng nhau thiết lập một hệ sinh thái đơn giản trên Mặt trăng", Yuanxum cho biết. Việc mang hạt giống và côn trùng lên Mặt Trăng có thể giúp xác định tiềm năng con người sinh sống và làm việc trên đó.

Các chuyên gia hiện nay chưa rõ liệu sinh vật Trái Đất có thể phát triển tốt trên Mặt trăng, nơi lực hấp dẫn chỉ bằng khoảng 16% Trái đất, hay không. Điểm đến của nhiệm vụ Hằng Nga 4 là vùng trũng cực Nam - Aitken, khu vực được nhiều người cho rằng có thể là địa điểm lý tưởng để xây dựng căn cứ trên Mặt Trăng.

Lực hấp dẫn nhỏ gây ra một số tác động nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Các phi hành gia thám hiểm Mặt Trăng được trang bị dụng cụ bảo vệ để ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực của lực hấp dẫn tại đây. Tuy nhiên, việc sống ở một căn cứ trên Mặt trăng trong thời gian kéo dài có thể dẫn đến những vấn đề không thể lường trước.

Cập nhật: 08/01/2018 Theo VNE
  • 727