Nếu muốn có cảm giác hạnh phúc bền lâu, bạn hãy đi du lịch chứ không nên tậu máy tính mới.
|
Những trải nghiệm, như xem phim hay đi du lịch, khiến chúng ta cảm thấy hạnh phúc lâu hơn so với vật chất. Ảnh: flickr.com. |
Livescience cho biết, các nhà khoa học của Đại học Cornell, Mỹ phân tích 8 nghiên cứu về hạnh phúc để tìm hiểu yếu tố quan trọng nhất khiến con người cảm thấy mãn nguyện với cuộc sống. Họ phát hiện ra rằng những trải nghiệm trong cuộc sống – từ xem một bộ phim cho tới đi du lịch – có xu hướng mang lại cảm giác thỏa mãn cao hơn so với việc tích lũy vật chất. Ngoài ra cảm giác hạnh phúc mà những trải nghiệm mang đến cũng kéo dài lâu hơn. Ban đầu con người có thể cảm thấy sung sướng khi sắm được một chiếc iPhone mới hay một bộ trang phục đắt tiền, song cảm giác mãn nguyện của chúng ta sẽ giảm dần theo thời gian.
Nhóm nghiên cứu đưa ra hàng loạt lý do để giải thích về việc hạnh phúc tới từ những trải nghiệm nhiều hơn so với vật chất. Trong số đó có những lý do dưới đây.
Con người thường băn khoăn về những quyết định mua sắm vật chất nhiều hơn so với mua sắm trải nghiệm. Khi mua vật chất, chẳng bao giờ chúng ta biết rằng món hàng mà chúng ta chọn có phải là thứ hợp lý nhất hay không.
Nhân loại hiếm khi so sánh các trải nghiệm với nhau. Vì thế mỗi trải nghiệm mang đến một kiểu niềm vui khác nhau.
Khi mua một trải nghiệm, con người luôn cảm thấy dễ dàng hơn trong việc ra quyết định so với khi mua vật chất.
Chúng ta dễ rơi vào trạng thái buồn khi biết ai đó mua được một món hàng rẻ hơn và tốt hơn so với thứ chúng ta mua. Nhưng đối với hành vi mua trải nghiệm, khả năng ấy khó xảy ra hơn.
Mức độ thỏa mãn cũng phụ thuộc vào cách chúng ta nhìn nhận vật chất. Các nhà khoa học trong một nghiên cứu yêu cầu các tình nguyện viên nghĩ tới những trải nghiệm mà họ sẽ trải qua nếu mua một món hàng. Chẳng hạn, khi mua máy nghe nhạc họ nghĩ tới những bản tình ca bất hủ. Sau vài tháng nhóm nghiên cứu yêu cầu tình nguyện viên tự đánh giá mức độ hài lòng của họ với đồ vật mới bằng thang điểm. Kết quả cho thấy những người nhìn nhận đồ vật như một trải nghiệm có mức độ thỏa mãn cao hơn so với những người khác.
Trong một nghiên cứu khác, các nhà khoa học yêu cầu 142 tình nguyện viên liệt kê những lần họ mua đồ vật hoặc trải nghiệm có giá dưới 50 USD. Sau đó tình nguyện viên phải trả lời các câu hỏi: Việc ra quyết định mua khó khăn tới mức nào? Có băn khoăn về quyết định mua hay không? Mức độ thỏa mãn khi mới mua và bây giờ?
Kết quả cho thấy những người mua vật chất tỏ ra băn khoăn nhiều hơn về quyết định của họ so với những đối tượng mua trải nghiệm. Mức độ thỏa mãn của người mua vật chất cũng giảm nhanh hơn.
Trong nghiên cứu thứ ba các nhà khoa học yêu cầu 164 tình nguyện viên tưởng tượng một tình huống mà trong đó họ vừa mua một đồ vật và một trải nghiệm, nhưng sau đó biết rằng người khác mua được đồ vật và trải nghiệm tương tự với giá rẻ hơn. Nhóm nghiên cứu nhận thấy người mua vật chất có dễ rơi vào trạng thái dằn vặt, hối tiếc hơn so với người mua trải nghiệm. Cảm giác ghen tị với người khác cũng dễ xuất hiện hơn ở đối tượng mua vật chất.
Do con người không gặp khó khăn trong việc so sánh các đồ vật, những quyết định mua vật chất thường mang đến cảm giác băn khoăn, hối tiếc nhiều hơn so với mua trải nghiệm. Do đó vật chất không thể sánh được với trải nghiệm trong việc mang đến hạnh phúc cho con người, nhóm chuyên gia của Đại học Cornell kết luận.