Ánh sáng nhân tạo như đèn đường, đèn trong nhà khiến tình trạng ô nhiễm ánh sáng ngày một trầm trọng, nhiều ngôi sao trước đây vốn rất sáng nay lại gần như không thể nhìn thấy.
Năm 2006, một dự án khoa học công dân có tên Globe at Night được ra đời. Dự án này được thành lập bởi NOIRLab, một tổ chức thiên văn học quốc tế được Chính phủ Mỹ tài trợ nhằm đo ô nhiễm ánh sáng trên bầu trời đêm.
Ngắm bầu trời đầy sao ngày càng khó. (Ảnh: 123RF Stock Photo).
Người tham gia sẽ đếm số lượng sao mà họ có thể nhìn thấy từ vị trí của mình và báo cáo lên trang web của dự án.
Tháng 1/2022, nhà nghiên cứu Christopher Kyba và nhóm nghiên cứu thuộc dự án Globe at Night đã công bố một phân tích dựa trên khối dữ liệu năm 2011-2022 trên tạp chí Science.
Phân tích cho thấy tình trạng ô nhiễm ánh sáng đang ngày một trầm trọng khi độ sáng bầu trời đêm đã tăng gần 10% mỗi năm trong suốt giai đoạn này. Ở một số khu vực, bầu trời đêm còn sáng gấp đôi so với 8 năm trước. “Con số này khiến tôi không khỏi giật mình”, Kyba chia sẻ.
Bầu trời ở thành phố có nhiều ánh sáng nhân tạo sẽ khác biệt với bầu trời ở khu vực tự nhiên. (Ảnh: NOIRLab).
Trong những năm gần đây, ánh sáng nhân tạo từ những đô thị đã xâm chiếm đến những khu vực lân cận, khiến số lượng các vùng có bầu trời tối ở những quốc gia ít dân cư hoặc công viên có nhiều cây giảm xuống. Các nhà thiên văn học cũng cảnh báo về vấn nạn này suốt nhiều thập kỷ qua nhưng tình hình chỉ ngày một tệ hơn.
Từ mô hình dữ liệu của NOIRLab, các nhà khoa học kết luận rằng Bắc Mỹ là khu vực có mức tăng lớn nhất về độ sáng của bầu trời, ở mức trung bình 10,4% mỗi năm. Trong khi đó, bầu trời đêm ở châu Âu sáng lên với tốc độ chậm hơn, khoảng 6,5%/năm và tốc độ trung bình toàn cầu là 9,6%. Điều này cũng đồng nghĩa với việc ngày càng có ít ngôi sao mà chúng ta có thể quan sát bằng mắt thường.
Các tình nguyện viên của Globe at Night cũng phát hiện, nhiều ngôi sao trước đây vốn rất sáng nay lại gần như không thể nhìn thấy. Một số ngôi sao còn biến mất khỏi bầu trời đêm. Trong quá trình thực hiện nghiên cứu, Kyba cũng nhận được nhiều phản hồi cho biết họ không thể nhìn thấy chòm sao Pleiades như trước kia.
Châu Âu nhìn từ vũ trụ. (Ảnh: Barcroft Media).
Theo giám đốc Connie Walker của Globe at Night, có khoảng 2% mức tăng độ sáng bầu trời đêm là do dữ liệu vệ tinh dự báo thời tiết cung cấp. Nhưng những thiết bị vũ trụ này không thể phát hiện ánh sáng xanh.
Trong khi đó, nhiều thành phố đã chuyển từ dùng đèn cao áp vàng sang sử dụng đèn LED xanh, tiết kiệm điện năng cho đèn đường. Vì vậy, những vệ tinh dự báo thời tiết có thể sẽ bỏ sót những nguồn sáng từ đèn đường hay bảng hiệu nên con số thực tế sẽ còn lớn hơn.
Theo nhà khoa học Christopher Kyba, ô nhiễm không khí là "thủ phạm" chính gây ra hiện tượng các ngôi sao dần biết mất. Vậy câu hỏi đặt ra là con người cần làm gì để giải quyết nó.
“Các nhà hoạt động vì ô nhiễm ánh sáng thường nói điều này chẳng có gì khó khăn vì mọi người chỉ cần tắt đèn. Điều này tuy đúng nhưng lại chẳng có ích”, Kyba nói. Ông cho biết ô nhiễm ánh sáng đến từ nguồn khác nhau và quyết định có tắt đèn hay không không chỉ nằm ở mỗi cá nhân mà còn liên quan đến doanh nghiệp, chính quyền thành phố.
Nhưng chỉ cần mỗi người có ý thức, sự thay đổi mang lại sẽ rất lớn. Người dân có thể hạn chế lượng ánh sáng cần sử dụng hoặc hẹn thời gian tắt cho đèn vào buổi đêm.
Giám đốc điều hành John Barentine của công ty tư vấn hệ thống đèn cho các công ty và chính quyền Dark Sky Consulting cũng cho rằng việc dùng đèn công cộng vào buổi đêm không hề mâu thuẫn với mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm ánh sáng.
Las Vegas về đêm. (Ảnh: Corbis).
Thành phố Tucson chính là một minh chứng sống. Với dân số khoảng 1 triệu người, cư dân ở đây nhận thức rõ về tác hại của ánh sáng nhân tạo với bầu trời đêm. 5 năm trước, chính quyền Tucson đã đổi 20.000 trụ đèn đường thành đèn LED và điều chỉnh sao cho độ sáng thấp hơn bình thường. Sự thay đổi này đã giảm 60% độ sáng trên đường trong khi chẳng có người dân nào phàn nàn.
Nói với Wired, Walker cũng bày tỏ ông rất lo lắng khi các thế hệ sau này không thể ngắm bầu trời đêm đầy sao khi ô nhiễm ánh sáng ngày càng nặng nề. “Những người sống ở thành phố phải gặp may lắm mới có thể nhìn thấy Kim tinh hay Thổ tinh. Họ chỉ có thể nhìn thấy Mặt trăng”, Teznie Pugh, Giám đốc Đại học Texas, nhận định.