Sở hữu diện tích chiếm tới 1/10 tổng diện tích Cố cung, nhưng tòa kiến trúc này lại không trồng bất kỳ một bóng cây xanh nào vì lý do phong thủy dưới đây.
Bất kỳ ai đã từng đến thăm Tử Cấm Thành (Cố Cung) của Trung Quốc, đi trong tổ hợp các cung điện sẽ phát hiện ra một sự thật thú vị là khu vực trung tâm của nơi này không hề có bóng một cây xanh, trong khi ở các khu vực khác ít nhiều đều có trồng cây.
Cố Cung là tên gọi ngày nay của Tử Cấm Thành, nằm tại trung tâm thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) và là cung điện của các triều đại từ thời nhà Minh đến thời nhà Thanh.
Bố cục nơi đây được thiết kế theo 2 phần chính bao gồm ngoại triều và nội đình.
Trong đó, ngoại triều là nơi làm việc hàng ngày của Hoàng đế, còn nội đình là nơi nghỉ ngơi của nhà vua và nơi ở của các phi tần.
Tam Đại Điện thuộc “ngoại triều” là quần thể kiến trúc lớn nhất bên trong Cố Cung. Nơi đây thường được dùng để tổ chức các nghi lễ quan trọng của triều đình.
Tuy nhiên, dù sở hữu diện tích lên tới 85.000m2 (chiếm 1/10 tổng diện tích Cố Cung), Tam Đại Điện lại được miêu tả là nơi “không một bóng cây” theo đúng nghĩa đen.
Hình ảnh chụp tổng thể Tam Đại Điện từ trên cao cũng cho thấy xung quanh nơi đây không hề có một bóng cây xanh.
Theo các chuyên gia nghiên cứu phong thủy, lối thiết kế này của Tam Đại Điện xuất phát từ lý do dưới đây.
Tử Cấm Thành có rất nhiều khu vực thiết kế tượng trưng cho “âm dương ngũ hành”.
Kiến trúc sư thời bấy giờ thay vì sử dụng hoàng thổ xây Tam Đại Điện đã thay bằng việc đem 3 mặt đổi thành các góc, sắp xếp sao cho hiện lên thành hình chữ thổ.
Thuyết “âm dương ngũ hành” rất coi trong yếu tố “tương sinh – tương khắc”. Trong khi đó, yếu tố mộc khắc với yếu tố thổ. Xuất phát từ quan niệm này, chủ nhân của Tử Cấm Thành đương nhiên không muốn uy quyền của mình bị “mộc” chặn lại.
Vì vậy, các kiến trúc sư thời xưa không hề thiết kế cây xanh trong khuôn viên Tam Đại Điện để tránh phá hủy tổng thể phong thủy của nơi này.
Không trồng cây trong khuôn viên Tam Đại Điện là một cách để duy trì chỉnh thể hài hòa về âm dương, ngũ hành.
Một giả thuyết khác lại cho rằng, Tam Đại Điện nằm trong Cố Cung sở dĩ không trông cây là để bảo vệ cho khí thế uy nghiêm và sự tối tượng của hoàng quyền.
Nguyên nhân là bởi Tam Đại Điện vốn được dùng để Hoàng đế cử hành những buổi lễ long trọng để thể hiện uy quyền tối thượng của mình. Theo quan điểm chính thống của chế độ phong kiến Trung Hoa, hoàng đế là "thiên tử" (con trời), mang hình ảnh một con rồng, nơi rồng cuộn ắt phải là nơi rộng rãi, thoáng đãng. Hơn nữa, khu vực trung tâm là nơi tiến hành các nghi thức trang trọng của đất nước, nơi quần thần quy tụ, cũng là nơi hoàng đế đón tiếp sứ thần các nước, phô trương thanh thế của mình. Bởi vậy, khu vực trung tâm ắt phải rộng và thoáng đến mức "đi mỏi chân" rồi.
Vì thế, các kiến trúc sư thời cổ đại đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để đảm bảo mục đích này, trong đó bao gồm cả việc loại bỏ yếu tố cây trồng.
Ngày nay, bước vào từ cổng Thiên An Môn, đi qua tầng tầng lớp lớp những cung điện thời cổ đại, người ta sẽ không thể trông thấy bất kỳ bóng cây nào. Điều này không chỉ dựng nên bầu không khí trang nghiêm mà còn tạo thành một loại áp lực vô hình lên người quan lại, khiến họ phải kính cẩn trước Thiên tử.
Giả thiết thứ ba về việc Tam Đại Điện không một bóng cây cho rằng, loại bỏ cây trồng là cách để bảo vệ an toàn của Thiên tử.
Năm xưa, Thanh triều từng ghi lại một cuộc khởi nghĩa nông dân dưới thời vua Gia Khánh. Khi đó, một nhóm thích khách của nghĩa quân Thiên Lý giáo đã bí mật xông vào Tử Cấm Thành.
Nhóm thích khách này tách ra làm hai, mai phục tại Đông Hoa Môn và Tây Hoa Môn, sau đó vì bị truy đuổi nên đã chặt cây phóng hỏa Long Tông Môn.
Tuy rằng nhóm thích khách này chưa tiến vào nội đình. Nhưng từ sau đó, vì đảm bảo an toàn cho nhà vua và các phi tần, kiến trúc sư thời bấy giờ đã không trồng cây xung quanh Tam Đại Điện.
Tam Đại Điện không một bóng cây để bảo vệ sự an nguy của nhà vua trước rủi ro thích khách tấn công hoặc xảy ra hỏa hoạn.
Việc Tam Đại Điện không một bóng cây xanh còn liên quan đến những trận hỏa hoạn xảy ra tại Minh triều.
Khi Cố Cung mới được hoàn thành, hỏa hoạn tại đây là chuyện xảy ra như… “cơm bữa”!
Năm Vĩnh Lạc thứ hai, Cố Cung vừa mới xây xong, Tam Đại Điện đã bị thiêu cháy.
5 năm sau, Minh Anh Tông cho người trùng tu lại Tam Đại Điện, thời gian thi công chỉ vẻn vẹn nửa năm. Lúc đó, tên của tòa kiến trúc này nhiều lần được đổi. Nhưng tới khi Lý Tự Thành tiến đánh Bắc Kinh, Tam Đại Điện một lần nữa lại ngập trong biển lửa.
Vào năm Thuận Trị thứ hai dưới thời nhà Thanh, Tam Đại Điện một lần nữa được trùng tu, đồng thời đổi tên thành Thái Hòa Điện, Bảo Hòa Điện.
Nhưng trong những năm Hoàng đế Khang Hi tại vị, nơi này lại một lần nữa bị hỏa hoạn.
Sau này, khi công cuộc trùng tu lần nữa được hoàn tất, các kiến trúc sư đã chuẩn bị nhiều phương án phòng chống hỏa hoạn cho Tam Đại Điện, trong đó có biện pháp không trồng cây.