Vì sao tên dịch bệnh không còn gắn với địa danh?

  •   32
  • 1.059

Từng có nhiều dịch bệnh được đặt tên theo nơi chúng bắt nguồn, nhưng tại sao không một tổ chức nào gọi nCoV là "virus Trung Quốc"?

Trong những ngày qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump sử dụng cụm từ "virus Trung Quốc" để nói về nCoV (SARS-CoV-2) - loại virus viêm phổi chủng corona gây ra đại dịch Covid-19 đang bùng phát trên thế giới. Tên gọi này xuất phát từ việc virus có nguồn gốc bùng phát từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc.

"Mỹ sẽ hỗ trợ mạnh mẽ những ngành công nghiệp, như hàng không và một số ngành khác, bị ảnh hưởng bởi virus Trung Quốc. Chúng ta sẽ mạnh hơn cả trước kia", ông Trump viết trong một bài đăng trên Twitter. Không chỉ Trump mà nhiều quan chức, nghị sĩ Mỹ cũng sử dụng tên gọi này.

Hình ảnh tập tài liệu của ông Trump về virus corona, chữ "corona" bị sửa lại thành "Trung Quốc".
Hình ảnh tập tài liệu của ông Trump về virus corona, chữ "corona" bị sửa lại thành "Trung Quốc". (Ảnh: Jabin Botsford/Twitter).

Đã có nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến cách gọi của ông Trump. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ngày 17/3 nhấn mạnh nước này "vô cùng phẫn nộ" sau khi Tổng thống Donald Trump gọi virus corona chủng mới là "virus Trung Quốc". Ông nhấn mạnh việc liên hệ virus với Trung Quốc là "một kiểu kỳ thị".

Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không chung quan điểm về cách gọi của Tổng thống Mỹ, cho rằng sử dụng từ ngữ này có thể khiến nhiều người liên tưởng đến một nhóm cá nhân cụ thể khi nhắc đến virus corona.

Đáp trả lại, Trump cho rằng cách mình gọi như vậy là chính xác do virus "đến từ Trung Quốc", khẳng định sẽ không thay đổi cách gọi. Một phần cộng đồng cũng ủng hộ cách gọi của ông Trump vì đơn giản là nó bùng phát đầu tiên tại Trung Quốc.

Từng có nhiều dịch bệnh được đặt tên theo nơi chúng bắt nguồn, nhưng tại sao không một tổ chức nào gọi nCoV là "virus Trung Quốc"?

Từ năm 2015, quy định mới của WHO đã không cho phép đặt tên dịch bệnh theo vị trí địa lý.
Từ năm 2015, quy định mới của WHO đã không cho phép đặt tên dịch bệnh theo vị trí địa lý. (Ảnh: Relevant).

Năm 1918, một đại dịch cúm đã lây nhiễm cho 500 triệu người, làm chết ít nhất 40-50 triệu người. Được xem là một trong những thảm họa thiên nhiên khủng khiếp nhất lịch sử nhân loại, đó là đại dịch cúm Tây Ban Nha.

Có tên là cúm Tây Ban Nha, tuy nhiên đại dịch này không thực sự bắt nguồn từ Tây Ban Nha. Trong thời điểm đó, chính phủ các nước không muốn bên ngoài biết họ đang trải qua dịch bệnh vì đang trong thời chiến tranh. Báo chí Tây Ban Nha không được kiểm duyệt nghiêm ngặt, do đó thông tin đầu tiên về các ca nhiễm bệnh, tử vong đều đến từ Tây Ban Nha.

Trên thực tế, virus gây ra đại dịch này có nguồn gốc từ Kansas, một tiểu bang ở miền Trung Tây Mỹ. Do đó, lẽ ra đại dịch này phải gọi là "cúm Mỹ" hay "cúm Kansas".

Chắc chắn không ai muốn quê hương mình bị lấy làm tên dịch bệnh chỉ vì nó khởi phát từ đó. Bạn sẽ cảm thấy ra sao nếu sống ở rừng Zika, sông Ebola?

Việc đặt tên không đúng cũng có thể ảnh hưởng đến việc kiểm soát, xử lý dịch. Trong đợt bùng phát dịch hạch tại khu người Hoa ở San Francisco năm 1900, những người gốc Hoa đã bị kỳ thị, ảnh hưởng đến chính sách y tế và xử lý dịch.

Điều đó tiếp tục lặp lại trong đại dịch Covid-19. Trong thời điểm này, cố gắng phòng chống, kiểm soát hiệu quả sẽ tốt hơn việc tập trung chỉ trích nơi khởi phát dịch bệnh. Virus không quan tâm bạn từ đâu, nó chỉ biết xâm nhập khi có cơ hội mà thôi.

Vào năm 2015, chính WHO đã ban hành quy cách đặt tên dịch bệnh, không nhắc đến tên khởi phát dịch để tránh kỳ thị và gây hoang mang.

Cụ thể, tên dịch bệnh sẽ được đặt dựa trên triệu chứng, đặc điểm và nguyên nhân gây bệnh (nếu có). Ví dụ, Covid-19 có ý nghĩa là "bệnh do virus corona được phát hiện năm 2019".

Trong hướng dẫn đặt tên, WHO không khuyến cáo đặt tên virus theo vị trí địa lý (Hội chứng Hô hấp Trung Đông MERS, cúm Tây Ban Nha, sốt Thung lũng Rift), theo tên người (bệnh Creutzfeldt-Jakob, bệnh Chagas), tên động vật hoặc thực phẩm (cúm lợn, cúm chim, bệnh đậu mùa khỉ) hoặc chứa cụm từ gây hoang mang quá mức (chưa biết, gây tử vong).

Có nhiều tên dịch bệnh được đặt theo những tên gọi ấy trong quá khứ, tuy nhiên quy định mới từ năm 2015 WHO đã không đặt tên như vậy nữa.

Cập nhật: 21/03/2020 Theo Zing
  • 32
  • 1.059