Virus corona xuất hiện từ Vũ Hán, Trung Quốc có tỉ lệ tử vong thấp, và đa số bệnh nhân đều phục hồi nhanh chóng. Nhưng dưới đây là những lí do được các chuyên gia đưa ra để giải thích vì sao nó lại gây ra nỗi sợ hãi trong người dân.
Sự bùng phát của một loại virus corona mới đã làm dấy lên nỗi sợ hãi và lo lắng trên toàn thế giới. Virus này có nguồn gốc từ Vũ Hán, Trung Quốc, hiện đã lây nhiễm cho hơn 9.700 người và giết chết 213 người.
Tuy nhiên, cho đến nay, loại virus này dường như không gây chết người như SARS - đã giết chết 774 người từ năm 2002 đến 2003. SARS có tỷ lệ tử vong là 9,6%, trong khi chỉ khoảng 2% số người nhiễm virus corona mới đã tử vong. Nhưng, số người nhiễm virus corona sau 1 tháng đã vượt qua tổng số người bệnh trong 8 tháng của dịch SARS.
Dù vậy, nhiều bệnh nhân mắc virus corona đã hồi phục hoàn toàn. Theo các quan chức Trung Quốc, hầu hết những người tử vong đều là người già hoặc đã mắc các bệnh lý khác, làm tổn hại hệ thống miễn dịch của họ.
Một hành khách đang được kiểm tra nhiệt độ tại nhà ga Xianning North ở Trung Quốc. (REUTERS / Martin Pollard)
Các chuyên gia y tế công cộng nói rằng, đối với phần lớn công dân ở bên ngoài Trung Quốc, hoảng loạn quá mức là không có cơ sở, và tất nhiên là không có tác dụng cải thiện tình hình. Công chúng nên có biện pháp phòng ngừa mạnh mẽ để tránh mắc virus, nhưng hiệu quả nhất là tạo ra thói quen hàng ngày như tăng cường rửa tay và không chạm tay lên mặt.
Amira Roess, giáo sư y tế và dịch tễ học toàn cầu tại Đại học George Mason, nói với trang tin Business Insider rằng nỗi sợ hãi sẽ không ngăn được sự lây lan của virus, nhưng lại có thể gây ra những tác động tiêu cực cho xã hội. "Ban đầu là sự lây lan của bệnh truyền nhiễm, sau đó là sự lây lan của hoảng loạn", Roess nói. "Và hai loại lây lan này có cơ chế hoạt động rất khác nhau". Giáo sư Roess cho biết trong giai đoạn đầu của một đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm, phần lớn sự hoảng loạn xuất hiện là do thiếu hiểu biết.
Nghiên cứu tâm lý cho thấy các mối đe dọa mới và lạ làm tăng mức độ lo lắng nhiều hơn so với các mối đe dọa quen thuộc. Và mọi người có xu hướng kém phản ứng đối với các mối đe dọa quen thuộc.
Ví dụ, có 1/7 khả năng bệnh tim sẽ là nguyên nhân gây ra cái chết cho người Mỹ, trong khi đó khả năng họ sẽ chết dưới tay của một kẻ khủng bố nước ngoài là 1/45.808. Nhưng theo một cuộc khảo sát năm 2016 của Đại học Chapman về nỗi sợ hãi của Mỹ, "cuộc tấn công khủng bố vào quốc gia" và "nạn nhân của khủng bố" đều được xếp hạng trong 5 loại lo lắng hàng đầu của những người được hỏi.
Hành khách tại sảnh khởi hành của ga tàu cao tốc ở Hồng Kông. (Ảnh AP / Kin Cheung).
Các công dân gốc Á ở Pháp, Canada và Mỹ đang hết sức bức xúc về các sự cố liên quan đến phân biệt chủng tộc công khai, nguyên nhân chính là do virus corona.
Trang tin The Guardian báo cáo, gần 9.000 phụ huynh tại Toronto đã ký một bản kiến nghị, với nội dung là không cho phép những học sinh đã du lịch đến Trung Quốc trong vòng 17 ngày qua đến trường. Một người tình nguyện kí tên bày tỏ nỗi lo lắng: "Đừng có ăn động vật hoang dã rồi sau đó lây nhiễm cho những người xung quanh! Dừng ngay việc này lại. Hãy cách ly chính mình hoặc quay trở lại Trung Quốc mà sống!"
Thời báo New York cũng đưa tin rằng, các doanh nghiệp trên khắp Hồng Kông, Hàn Quốc và Việt Nam đã dán những biển báo với nội dung là khách hàng từ Trung Quốc đại lục không được chào đón.
Trong khi đó, các sinh viên châu Á tại Đại học bang Arizona (ASU) - nơi đã xác nhận có trường hợp nhiễm virus corona tại Mỹ - cho biết họ đang phải đối mặt với những trò đùa, những cái nhìn chằm chằm thiếu thiện ý và thậm chí là bị cô lập trong khuôn viên trường. Một sinh viên người Mỹ gốc Việt tại ASU nói với phóng viên Bryan Pietsch của Business Insider: "Tôi chỉ ho trong lớp và tất cả mọi người quay lại nhìn tôi với ánh mắt dò xét".
Mặc dù virus corona mới đang lây lan khá nhanh nhưng các chuyên gia y tế cũng chỉ ra những yếu tố tích cực giúp mọi người bớt lo ngại về virus mới này.
Đầu tiên, loại virus này được xác định nhanh chóng hơn bao giờ hết. Chỉ một tuần sau khi được phát hiện, chính quyền Trung Quốc đã giải trình được virus corona và chia sẻ thông tin với các phòng thí nghiệm trên khắp thế giới. Richard Martinello, phó giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y - Đại học Yale nói: "Một điều đáng chú ý ở đây là chỉ trong vòng một tuần, các chuỗi RNA của virus corona đã xuất hiện trên internet và nhiều người có thể nhìn vào và bắt đầu tìm hiểu về nó".
Thứ hai, một loạt các tiến bộ trong công nghệ y tế kể từ khi virus corona được phát hiện vào những năm 1960 đã cho phép các phòng thí nghiệm lâm sàng và các nhà virus học tiến hành nghiên cứu sâu hơn về cách thức hoạt động của các virus này.
Hình dạng của virus corona. (BSIP / UIG qua hình ảnh Getty)
Martinello cũng nói rằng đối với người dân ở Mỹ, cúm theo mùa có nguy cơ tử vong cao hơn nhiều. Ít nhất 15 triệu người Mỹ mắc cúm trong 4 tháng qua và 20.000 người đã chết kể từ tháng 10. Mùa cao điểm của cúm xuất hiện từ giữa tháng 12 đến tháng 2, vì vậy mọi người vẫn cần thận trọng đối mặt với cả bệnh cúm nữa.
Tuy nhiên, chính vì bệnh cúm xuất hiện quá thường xuyên lại khiến cho công chúng "coi thường" nó. Martinello cho biết, ông hi vọng là virus corona mới sẽ làm cho mọi người có ý thức tạo ra các thói quen lành mạnh như rửa tay và đeo khẩu trang hơn, từ đó sẽ làm giảm tỉ lệ mắc bệnh cúm sau này.