Sau khi chứng minh rằng chẳng có ngày tận thế nào hết vào hôm 21/12/2012, NASA đưa ra 5 viễn cảnh có thể xảy ra trên thực tế, nhưng có thể chỉ diễn ra trong vài tỉ năm nữa.
Ngày 21/12 đã trôi qua mà chẳng hề xảy ra biến cố nào đe dọa sự tồn vong của nhân loại. 1.000 năm trước, người Maya từng dự đoán rằng vào ngày 21/12, mặt trời, trái đất và trung tâm Dải Ngân hà sẽ sắp thẳng hàng lần đầu tiên trong 26.000 năm, chấm dứt kỷ nguyên thứ 5 của mặt trời. Tuy tính toán này là hoàn toàn chính xác, nhưng sự diệt vong không xảy ra, mà trong tương lai có thể diễn ra theo những viễn cảnh khác.
Mối đe dọa luôn thường trực trong tâm trí các nhà thiên văn học chính là sự va chạm cực mạnh từ thiên thạch, tiểu hành tinh hoặc thậm chí sao chổi. Hầu hết các nhà cổ sinh vật học đều kết luận rằng một tiểu hành tinh bề ngang hơn 14 km đã đâm vào nơi hiện nay là bán đảo Yucatan ở Mexico, khởi đầu sự tuyệt chủng của loài khủng long cách đây khoảng 65 triệu năm. Theo Chương trình các vật thể gần trái đất của NASA, có khả năng một tiểu hành tinh đường kính gần 1 km sẽ tấn công địa cầu sau mỗi 100.000 năm. Và mỗi thế kỷ lại có thiên thạch đường kính 50 m ghé thăm hành tinh xanh. Những “tai nạn” giữa các vì sao như thế có thể gây nên tình trạng mưa a xít hủy hoại hoa màu khắp nơi, cũng như tạo ra những đám bụi dày ngăn cản ánh sáng mặt trời chiếu xuống bề mặt trái đất.
Bão mặt trời có thể ngay lập tức đánh sập các mạng lưới điện trên toàn cầu. Mặt trời hoạt động theo chu kỳ 11 năm, và khi đạt đỉnh điểm, nó phóng ra “các đợt phun trào vật chất vành nhật hoa”, nói một cách đơn giản là những bong bóng khí lớn tạo ra các vụ phóng điện từ, có thể gây hại đến các hệ thống điện tử được kết nối chặt chẽ của chúng ta. Theo NASA, một cơn bão điện từ lớn có thể ập đến trái đất trong vòng ít phút, và gây nên tình trạng mất điện trên diện rộng, khiến 130 triệu người bị ảnh hưởng tính riêng tại Mỹ, và thiệt hại lên đến hàng nghìn tỉ USD. Viễn cảnh tồi tệ nhất là liên lạc viễn thông bị đình trệ, giao thông, thương mại bị cắt đứt và nguồn cung cấp lương thực bị gián đoạn. Dự kiến, thời gian bão mặt trời hoạt động mạnh nhất là từ 2012 đến 2014.
Cơn ác mộng siêu núi lửa luôn ám ảnh nhân loại - (Ảnh: AFP)
Không phải thảm họa diệt vong nào cũng đến từ không gian. Một trong những nỗi ám ảnh của giới khoa học chính là các siêu núi lửa đang ngủ yên dưới lòng đất đột ngột chuyển mình. Ngoài khả năng tàn phá khủng khiếp ngay tức thời, siêu núi lửa có thể phun ra một lượng khí lưu huỳnh, CO2 và tro bụi đủ để thay đổi toàn bộ khí hậu, đe dọa đến chuỗi thức ăn và có thể dẫn đến cái chết hàng loạt của loài người cùng vô số sinh vật khác. Vụ phun trào siêu núi lửa gần đây nhất là tại Taupo ở New Zealand, khoảng 26.000 năm trước. Còn vụ phun trào khủng khiếp nhất đã xảy ra ở Indonesia cách đây 74.000 năm. Các nhà địa chất học đã lần ra dấu vết của hơn một chục siêu núi lửa trên thế giới, trong đó có một “hung thần” nằm dưới công viên quốc gia Yellow Stone ở bang Wyoming (Mỹ).
Trong thế kỷ qua, thế giới chứng kiến 4 trận dịch cúm chính, và Tổ chức Y tế thế giới cho hay nhân loại sẽ sớm đối mặt với một loại vi rút chết chóc khác. Cách đây vài năm, dịch cúm heo đã khiến thế giới tiêu tốn hàng nghìn tỉ USD để ngăn chặn. Cúm gia cầm, hoặc bệnh tay chân miệng đã tạo nên những làn sóng bất an trên bình diện toàn cầu, cho thấy các nền kinh tế hiện nay “yếu ớt” như thế nào trước một dòng siêu vi rút mới.
2010 là năm nóng nhất kể từ khi nhiệt độ được ghi nhận từ năm 1880, với nhiệt độ toàn cầu tăng 0,62 độ C so với mức trung bình trong thế kỷ 20, khiến khí hậu vô cùng bất ổn và gây nên bão tố, lụt lội hoặc hạn hán.
Khi nhiệt độ tăng, thực phẩm trở nên khan hiếm, chất lượng không khí tệ dần và bệnh dịch lan rộng. Theo ước tính của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế, có đến 65 nước mất hơn 15% sản lượng nông nghiệp vào năm 2100. Còn Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo ít nhất 150.000 người thiệt mạng vì thiên tai liên quan đến thay đổi khí hậu mỗi năm.