Việt Nam bắt đầu chiến dịch cứu Sao La - "Kỳ lân châu Á"

  •   42
  • 2.635

Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam chọn ngày 9/7 là ngày Quốc tế Sao La.

Sáng 9/7, tại TP HCM, Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam chính thức ra mắt dự án "Cứu Sao La – đứa em cùng Đất Mẹ" - một chiến dịch cộng đồng giúp nâng cao nhận thức và sự tham gia sâu rộng của xã hội nhằm bảo tồn loài động vật quý hiếm này, một niềm tự hào của thiên nhiên Việt Nam đang đối diện với nguy cơ tuyệt chủng. Đồng thời, ngày 9/7 hàng năm cũng được WWF - Việt Nam chọn là ngày Quốc tế Sao la.

Được mệnh danh Kỳ Lân châu Á, Sao La là một trong những loài thú quý hiếm nhất trên thế giới. Loài sao la đến nay chỉ được các nhà khoa học ghi nhận hình ảnh trong tự nhiên vài lần, kể từ khi được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1992 bởi một nhóm khảo sát khoa học của WWF và Bộ Lâm nghiệp Việt Nam (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn). Gần đây nhất vào tháng 7/2013, hệ thống bẫy ảnh cảm biến nhiệt của WWF ghi lại hình ảnh của Sao La trong rừng núi hiểm trở vùng Trường Sơn, dấy lên niềm hy vọng mới cho sự sống còn của loài này.

Được mệnh danh Kỳ Lân châu Á, Sao La là một trong những loài thú quý hiếm nhất trên thế giới.
Được mệnh danh Kỳ Lân châu Á, Sao La là một trong những loài thú quý hiếm nhất trên thế giới.

Bị đe doạ bởi nạn đặt bẫy trộm và môi trường sống bị phá hủy do nạn khai thác gỗ trái phép và các dự án phát triển không bền vững, Sao La hiện chỉ còn vài trăm, thậm chí chỉ vài mươi cá thể, theo phỏng đoán của các nhà khoa học. Năm 2006, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) xác định tình trạng loài động vật ở mức "Cực kỳ nguy cấp". Các chuyên gia Sao La trên thế giới đang thúc giục Chính phủ Việt Nam và Lào, các nhà bảo tồn, doanh nghiệp, cùng hợp sức và cam kết bảo vệ loài này.

Là một trong những nỗ lực đầu tiên nhằm chống lại các mối đe dọa trên, những khu Bảo tồn Sao la được thành lập tại Thừa Thiên-Huế và Quảng Nam vào năm 2010 và 2011, với sự hỗ trợ từ WWF - Việt Nam. Nằm trong khuôn khổ dự án Dự trữ carbon và Bảo tồn đa dạng sinh học (CarBi), các khu bảo tồn này hiện được kết nối, tạo nên một vùng sinh cảnh liền mạch quan trọng cho Sao La, bao phủ hơn 200.000 héc ta rừng Trường Sơn dọc biên giới Việt - Lào.

Đến cuối năm 2015, các cán bộ bảo vệ rừng do WWF tuyển chọn từ cộng đồng địa phương đã giúp tháo gỡ hơn 75.000 bẫy các loại và triệt phá trên 1.000 khu trại bất hợp pháp của các nhóm khai thác gỗ và săn trộm.

Cập nhật: 11/07/2016 Theo VnExpress
  • 42
  • 2.635