Việt Nam cấy ghép thành công cá phát sáng

  •  
  • 1.480

Cá phát sáng do cấy ghép gien đã được tạo ra ở Việt Nam. Hàng chục con cá phát sáng hiện đang được lưu giữ cẩn thận tại Phòng thí nghiệm tế bào gốc - ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM.

Cá phát sáng được tạo ra là cá ngựa vằn, tên tiếng Anh là Zeabra fish, tên khoa học Danio rerio. Sau khi được chuyển gien, cá đã phát sáng màu xanh biển đẹp lạ kì trong ánh sáng yếu và càng sáng hơn trong bóng tối. Thực nghiệm này do nhóm nghiên cứu Công nghệ sinh học trên người và động vật – Phòng Nghiên cứu Tế bào gốc, ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM thực hiện.

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng gien GFP (Green Fluorescent Protein) lấy từ con sứa biển để chuyển đổi gien của cá ngựa vằn bằng kỹ thuật bắn gien. Thông qua kỹ thuật bắn gien, các nhà khoa học đã dùng hoá chất ( Plasmid) pTracer – CMV2 để gắn gien vào tế bào gốc phôi cá (trứng cá),

Cá phát sáng, nhìn trong phòng tối (Ảnh: Phòng Nghiên cứu Tế bào gốc)

Những con cá ngựa này sau quá trình chuyển gien nói trên trong điều kiện ánh sáng bình thường có màu hồng nâu, nhưng khi ánh sáng chuyển màu huỳnh quang nhạt, cá sẽ chuyển màu xanh sáng. Đặc biệt, cơ thể chúng sẽ phát ánh sáng xanh huỳnh quang trong bóng đêm.

Lứa cá đầu tiên có 12 con đang lứa tuổi trưởng thành, sinh sản, có chiều dài khoảng 2,5 cm và đã cho ra đời lứa con đầu tiên, cũng có khả năng tự phát sáng.

Điều kiện nuôi những con cá đặc biệt này không đổi so với cá ngựa vằn thông thường. Thức ăn cho cá và thời gian trưởng thành, sinh sản của cá hoàn toàn bình thường. Thời gian sống của cá vẫn giữ nguyên 20 ngày.

Theo ThS. Phan Kim Ngọc thuộc nhóm nghiên cứu trên, ý tưởng về đề tài cá phát sáng bắt đầu từ năm 2004. Sau 3 năm thực nghiệm, đến nay mới tạo được cá phát sáng. Trong thời gian tới, nhóm sẽ dùng phương pháp bắn gien của san hô vào cá ngựa vằn để có thể nhìn được ánh sáng của cá trong cả ban ngày, trong ánh sáng thường chứ không nhất thiết sáng trong đêm.

Thạc sĩ Phan Kim Ngọc cho biết, nhóm có nghiên cứu chuyển gien trên chuột và heo cùng phương pháp này nhưng chưa thành công.

Ở loài cá ngựa vằn (động vật bậc thấp) có cấu trúc sinh học đơn giản nên khi cấy gien sứa vào tế bào phôi trứng cá, gien sứa có khả năng bám chặt và phát triển trên phôi cá. Còn ở chuột và heo (động vật bậc cao), việc cấy gien rất khó thành công trong quá trình phát triển.

Từ thí nghiệm này, cho phép nghĩ tới tính ứng dụng có ý nghĩa thực tiễn trong y, dược, môi trường và cả công nghệ thẩm mỹ khi tạo những nét mới cho động vật.


Cá phát sáng, chụp dưới ánh đèn trong phòng (Ảnh: V. Giang)

Vinh Giang

Theo Vietnamnet
  • 1.480