Một trong những mối bận tâm hiện tại là khả năng virus corona chủng mới sống sót được trên bề mặt vật thể như thế nào? Thời gian là bao lâu?
Virus corona chủng mới (Covid-19) hiện tại đang là mối bận tâm hàng đầu của toàn thế giới. Và một trong những mối quan tâm ấy có liên quan đến chuyện virus này tồn tại được bao lâu ngoài môi trường, hay chính xác hơn là trên bề mặt của các vật thể. Mối lo ngại ấy lớn đến nỗi chính phủ Trung Quốc mới đây còn phải thực hiện khử trụng cả... tiền mặt, nhằm kiểm soát được sự lây lan của virus.
Chính xác thì virus corona chủng mới có thể tồn tại bao lâu trên các loại bề mặt khác nhau?
Rất tiếc, câu trả lời chính xác là chưa có. Tuy nhiên, một số các nhà nghiên cứu đã tìm ra manh mối, dựa trên dữ liệu từ các chủng virus corona tương tự.
Đầu tiên cần biết rằng, virus corona là một chủng virus khá rộng và phổ biến trên các loài động vật. Trong một số trường hợp hiếm gặp, chúng có thể lây từ động vật sang người - hay còn được gọi là "zoonotic" theo khái niệm của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC).
Virus corona là một chủng virus khá rộng và phổ biến trên các loài động vật.
Ở thời điểm hiện tại, các nhà chức trách vẫn chưa xác định được chính xác loài vật nào là thủ phạm gây ra dịch virus corona Covid-19 tại Vũ hán. Nhưng trước đó với virus MERS tại Trung Đông, con người nhiễm bệnh sau khi tiếp xúc với lạc đà. Còn với SARS, thủ phạm được xác định là loài cầy hương. Trong báo cáo trên tạp chí Hospital Infection, cả SARS và MERS đều là virus corona, và đều xác định có thể tồn tại trên bề mặt vật thể - như kim loại, thủy tinh, nhựa... với thời hạn lên tới 9 ngày (nếu không bị nhiễm các loại khuẩn khác).
Cũng theo nghiên cứu trên, thật may mắn là việc lau dọn các bề mặt phơi nhiễm bằng các sản phẩm dọn rửa thông thường có thể tạo ra sự khác biệt. Theo đó, virus corona có thể ngưng hoạt động khi tiếp xúc với hỗn hợp gồm "62-71% ethanol, 0,5% hydro peroxide (oxy già) hoặc 0,1% hypochlorite, hoặc đơn giản là dùng thuốc tẩy trong vòng 1 phút.
Báo cáo trên bao gồm phân tích từ 22 nghiên cứu trước đó liên quan đến virus corona, và các chuyên gia hy vọng rằng nó có thể cung cấp cái nhìn khác về virus chủng mới lần này.
"Dựa trên những dữ liệu sẵn có, tôi có thể dựa vào các tư liệu về SARS - chủng gần nhất với virus Covid-19, với 80% mã gene tương ứng. Với SARS, thời hạn chịu đựng của virus trên bề mặt dao động từ dưới 5 phút tới 9 ngày" - tiến sĩ Charles Chiu, giáo sư khoa truyền nhiễm từ ĐH California, San Francisco, người không liên quan đến nghiên cứu mới cho biết.
"Tuy nhiên, rất khó để áp kết luận này vào virus mới do khác chủng loại, khả năng lây nhiễm, điều kiện môi trường, và vì còn quá ít thông tin về nó" - ông lưu ý. "Cần thêm nhiều nghiên cứu khác trong tương lai để xác định điều này".
Có điều theo CDC, chủng virus mới lan truyền phần lớn thông qua đường giọt bắn - khi ho hoặc hắt hơi, và khả năng tồn tại trên các bề mặt là "khá thấp". Bởi vậy, thực sự còn rất nhiều điều cần phải nghiên cứu về chúng.
Chủng virus mới lan truyền phần lớn thông qua đường giọt bắn. (Ảnh minh họa).
"Hoàn toàn có khả năng một người bị nhiễm Covid-19 thông qua việc chạm vào bề mặt vật thể chứa virus, sau đó vô tình chạm tay lên mặt, mũi, miệng, thậm chí kể cả mắt. Tuy nhiên, đây nhiều khả năng không phải là con đường lây lan chính" - trích trên website chính thức của CDC.
Dù có nhiều điểm giống, các loại virus corona cũ và chủng mới còn nhiều điểm khác biệt. "Các bằng chứng cho thấy Covid-19 không chết chóc bằng các chủng khác - như SARS và MERS" - Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc WHO đưa ra thông tin trong cuộc họp báo ngày 17/2.
"Hơn 80% bệnh nhân chỉ có triệu chứng nhẹ và sẽ phục hồi. 14% trường hợp xuất hiện các triệu chứng nặng hơn như viêm phổi, khó thở. Khoảng 5% rơi vào tình trạng nghiêm trọng, như suy hô hấp, suy đa tạng; và 2% là tỉ lệ tử vong. Rủi ro sẽ tăng lên với người già".