Virus cúm mùa là hậu duệ của "sát thủ" từng giết 100 triệu người?

  •  
  • 105

Nhóm các nhà khoa học đến từ nhiều cơ sở nghiên cứu tại Đức như Viện Robert Koch, Trường ĐH Leuven, Trường ĐH Y khoa Berlin…, đã dựa trên một bản phân tích các mẫu vật thu thập được ở châu Âu trong đại dịch năm 1918.

Cụ thể, chuyên gia Sebastien Calvignac-Spencer và các đồng nghiệp đã nghiên cứu 13 mẫu vật phổi của nhiều người khác nhau được lưu trữ tại Đức và Áo. Những mẫu vật này được thu thập trong khoảng thời gian 1901-1931, trong đó có 6 mẫu năm 1918 và 1919.

Các nhà khoa học sử dụng mô hình tiến hóa phân tử để ước tính các bước tiến hóa và cho rằng tất cả phân đoạn bộ gene của bệnh cúm H1N1 hiện nay có thể có nguồn gốc trực tiếp từ chủng virus gây nên đại dịch năm 1918.


Virus gây cúm mùa H1N1. (Ảnh: Shutterstock)


Các mẫu vật được thu thập tại châu Âu trong đại dịch cúm 1918. (Ảnh: Daily Mail)

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu tiến hành so sánh và nhận thấy có điểm khác biệt trong bộ gene của các mẫu virus cúm Tây Ban Nha ở thời điểm trước và sau đỉnh dịch. Trong đó, có sự biến đổi đối với một gene cụ thể liên quan đến khả năng chống lại các phản ứng kháng virus. Điều này lý giải virus cúm dần thích nghi với cơ thể con người.

Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện các biến đổi trong bộ gene của virus H1N1 liên quan đến việc thích ứng tốt hơn với cơ thể người.

Được đăng tải trên Nature Communications, nghiên cứu mới này đi ngược lại các giả thuyết khác về nguồn gốc của virus cúm.

Đại dịch cúm năm 1918, hay còn gọi là cúm Tây Ban Nha, đã lây nhiễm cho hơn 500 triệu người, tức 1/3 dân số thế giới thời điểm đó. Kể cả các hòn đảo hẻo lánh trên Thái Bình Dương hay ở Bắc cực cũng không thoát được loại virus gây tử vong khủng khiếp này.

Có tới 50-100 triệu người thiệt mạng vì cúm Tây Ban Nha, tức khoảng 3%-5% dân số thế giới khi ấy, biến đại dịch này trở thành một trong những thảm họa tự nhiên chết chóc nhất lịch sử nhân loại.


Binh lính ở Fort Riley, bang Kansas - Mỹ mắc bệnh cúm năm 1918. (Ảnh: Daily Mail)

Cập nhật: 18/05/2022 NLĐ
  • 105