Võ sĩ quyền Anh tại Olympic Rio 2016 chứng kiến sự thay đổi lớn nhất từ hơn 30 năm nay

  •  
  • 2.800

Một vật bất ly thân với các võ sĩ quyền Anh tại các kỳ Olympic từ năm 1984 đến nay đã bị loại bỏ.

Bạn có nhận ra một điều mà kỳ Olympic năm nay không có so với mọi năm không? Đó là mọi người đã có thể dễ dàng nhìn thấy mặt của các vận động viên đấm bốc nam hơn – nhăn nhó, giận dữ hay nụ cười khi họ chiến thắng sau trận đấu. Năm nay, lần đầu tiên kể từ 1984, ban tổ chức Olympic đã loại bỏ mũ bảo vệ đầu trong trận đấu, làm cho nó giống hơn với một trận đấu chuyên nghiệp.

Theo các tuyên bố từ tổ chức quản lý quyền anh nghiệp dư – Hiệp hội Quyền anh Quốc tế, AIBA – quyết định này được đưa ra vì mục đích an toàn. Theo nghiên cứu của AIBA, khác với suy nghĩ thông thường, các trọng tài phải dừng trận đấu vì chấn động não nhiều lần hơn khi các võ sĩ đội mũ bảo vệ đầu. Nhưng liệu việc loại bỏ chiếc mũ này có thực sự làm các võ sĩ an toàn hơn hay không? – đặc biệt với các chấn thương không liên quan đến não – tuy nhiên, điều này khá phức tạp để kết luận.

Ban tổ chức Olympic đã loại bỏ mũ bảo vệ đầu trong trận đấu.
Ban tổ chức Olympic đã loại bỏ mũ bảo vệ đầu trong trận đấu.

"Việc thay đổi quy tắc này thực sự làm rất nhiều người ngạc nhiên. Vẫn còn nhiều nghiên cứu khác cần được tiến hành". Cynthia Bir, nhà nghiên cứu các cơ chế sinh học ở Đại học Nam California, người đánh giá các thiết bị quyền anh cho tổ chức USA Boxing, cho biết. Trên thực tế, các nữ võ sĩ Olympic vẫn sẽ đeo các mũ bảo vệ đầu khi thi đấu, do việc thiếu các dữ liệu để đánh giá độ an toàn. (AIBA không trả lời với các yêu cầu bình luận về quyết định này).

Điều hầu hết mọi người có thể đồng ý là, lớp xốp bọt không khí có rất ít vai trò trong việc bảo vệ trước các chấn động não và các cú đánh knockout. Với lực đấm đủ mạnh, bạn có thể đè bẹp khả năng hấp thụ năng lượng của lớp xốp bọt. "Lúc này chiếc mũ bảo vệ trở nên ít hữu ích và sau đó là vô dụng". Blaine Hoshizaki, nhà nghiên cứu chấn thương hàng đầu tại Đại học Ottawa.

Thêm vào đó, các võ sĩ đội mũ bảo vệ vẫn có khả năng bị chấn thương khi bị đấm vào hàm, nơi cũng gây ra các chấn động não, bởi vì các cú đấm vào đó sẽ khiến cho đầu xoay mạnh sang bên cạnh. "Các võ sĩ biết rằng để knockout được đối thủ, họ cần phải đấm cho đầu xoay hẳn đi". Ông Bir cho biết. "Các cú đấm thẳng không có nhiều tác dụng cho việc đó".

Não bộ của bạn bình thường sẽ ở trạng thái lỏng trong hộp sọ, vì vậy khi đầu của bạn bị lắc mạnh sang một bên, não bộ của bạn cũng sẽ xoay theo. Lúc đó, các mô sẽ bị kéo căng ra và nén lại. Điều này sẽ gây ra các chấn động não.

Hai vận động viên môn đấm bốc ở kỳ Olympic năm 2012.
Hai vận động viên môn đấm bốc ở kỳ Olympic năm 2012.

Nhưng tại sao đội mũ bảo vệ lại làm tăng tỷ lệ của các chấn động não kiểu như vậy? Nghiên cứu của AIBA đưa ra một vài giả thuyết về việc này: Có thể mũ bảo vệ làm người đội khó quan sát hơn, vì vậy các võ sĩ cũng không thể né tránh kịp. Hoặc có lẽ mũ bảo vệ sẽ làm các võ sĩ có cảm giác sai về sự an toàn và phải chịu nhiều rủi ro hơn. Ngoài ra, chiếc mũ cũng làm đầu các võ sĩ trở thành mục tiêu lớn hơn, dễ bị đấm trúng hơn.

Mặc dù vậy, có một vấn đề khác cần cân nhắc: Các chấn động não không phải tổn thương duy nhất cho đầu của các võ sĩ. "Nhiều hậu quả lâu dài của việc chấn thương đầu có thể đến từ rất rất nhiều những cú đánh gây chấn động ngầm (sub-concussive blow) theo thời gian". Ông Charles Bernick, nhà thần kinh học tại Bệnh viện Cleveland, cho biết.

Bernick đã theo dõi một nhóm võ sĩ quyền anh chuyên nghiệp và các võ sĩ MMA từ năm 2011, và ông nhận ra rằng ngay cả não của các võ sĩ MMA, những người không bị các chấn động não, cũng cho thấy sự tổn thương khi quét cộng hưởng từ (quét MRI).

Chiếc mũ cũng làm đầu các võ sĩ trở thành mục tiêu lớn hơn, dễ bị đấm trúng hơn.
Chiếc mũ cũng làm đầu các võ sĩ trở thành mục tiêu lớn hơn, dễ bị đấm trúng hơn.

Những cú đánh gây chấn động ngầm, vốn không có các triệu chứng rõ ràng ngay lập tức, theo thời gian, cũng có thể dẫn đến căn bệnh tổn thương não kinh niên, hay CTE (Chronic Traumatic Encephalopathy). "Với các chấn động về não, bạn có thể nhìn thấy nó và có thể chuẩn đoán nó". Ông Hoshizaki cho biết. "Thách thức ở đây là bạn không nhìn thấy nó, không cảm thấy nó. Đó là điều tôi nghĩ đáng sợ nhất ở đây".

Các mũ bảo vệ có thể giảm thiểu một phần các cú đánh này. Nhưng nó rất khó để nghiên cứu bởi vì khó có thể đo lường được những cú đánh gây chấn động ngầm này có thể làm tổn thương não như thế nào. Cùng một cú đấm có thể gây ra các tổn thương khác nhau với mỗi người do sự khác nhau về cấu trúc cơ bắp ở cổ hay đầu.

AIBA đang nỗ lực để trở nên chuyên nghiệp hơn trong những năm gần đây – chữ "A" ở đầu trong tên viết tắt của tổ chức này, bắt nguồn từ chữ "Amateur" trước đây. Tổ chức này đã thực hiện nhiều thay đổi khác cho kỳ Olympic năm nay. Họ thay đổi cách tính điểm để nó giống hơn với các trận đấu quyền anh chuyên nghiệp, điều này cho phép các chuyên gia có thể đánh giá các trận đấu (Cho dù chỉ có ba trận ở Rio năm nay). Tuy nhiên, cùng với các nghiên cứu khoa học mà tổ chức này vừa thực hiện, ít nhất các võ sĩ có một lý do để không sử dụng mũ bảo vệ. "Họ đang cố gắng quảng bá thương hiệu của mình". Ông Bir cho biết: "Khuôn mặt chính là thương hiệu của họ".

Cập nhật: 15/08/2016 Theo Genk
  • 2.800