Các nhà khoa học Viện ung thư quốc gia Mỹ đã xác định được cơ chế giúp tế bào ung thư da phá hủy hệ miễn dịch ở chuột, mở đường cho việc bào chế thuốc ngăn chặn tế bào ung thư da phát triển ở người.
Trong nghiên cứu của mình, các nhà khoa học phát hiện ra rằng tia UV, có trong ánh nắng mặt trời có thể đốt cháy da, đã khiến các tế bào bạch cầu xâm nhập vào da chuột. Các tế bào bạch cầu sau đó sản sinh ra interferon-gamma, loại protein giữ vai trò chính trong quá trình phát triển của khối u ung thư da. Tuy nhiên, việc đưa các kháng thể có khả năng phong tỏa IFN-gamma đã ngăn chặn được quá trình sản sinh loại prôtêtin này, nhờ đó giảm nguy cơ phát triển ung thư da vì tia UV.
Phát hiện của các nhà nghiên cứu Viện ung thư quốc gia Mỹ có thể làm đảo ngược những giả định trước đây về mối liên hệ giữa các prôtêin interferon và bệnh ung thư da. Theo đó, interferon được cho là có tác dụng ngăn cản việc hình thành các khối u ác tính. Đặc biệt, interferon-alpha được sử dụng rộng rãi để điều trị ung thư da.
Ung thư da phát triển nhanh hơn bất kỳ dạng ung thư nào khác với tỷ lệ tử vong cao, do các tế bào ung thư da kháng liệu pháp hóa trị tiêu chuẩn.