Việc xoa bóp vùng bụng giúp làm tăng nhu động ruột, nhờ đó giảm táo bón. Cách thở bụng cũng có tác dụng xoa bóp nội tạng, giúp cải thiện chứng này,
(Ảnh: seykota) |
Tay trái chống eo (ngón cái ở trước, 4 ngón còn lại ở sau), tay phải từ vùng rốn xoa ly tâm ra chung quanh nhiều vòng (với giới hạn trên là dạ dày, giới hạn dưới là xương mu), bắt đầu xoa xuống phía dưới trái, qua bụng dưới, bụng phải rồi trở về vùng dạ dày là 1 lần, tất cả xoa 36 lần.
Sau đó, tay phải chống eo, tay trái xoa 36 lần, ngược lại, xoa thành vòng tròn từ ngoài vào trong, tâm điểm là rốn. Cũng có thể xoa bóp kiểu nằm ngửa (một tay không chống eo nữa). Khi xoa, thả lỏng tự nhiên, nặng nhẹ vừa phải, khi quá no, quá đói, mệt nhoài hay cảm xúc không ổn định đều không nên tiến hành xoa bóp.
Kiên trì xoa bóp vùng bụng lâu dài có thể tăng cường chức năng tiêu hóa của dạ dày, xúc tiến nhu động ruột, phòng ngừa xảy ra táo bón và ung thư. Có thể 2 bàn tay chồng lên nhau xoa bụng thì hiệu quả hơn.
Hít thở bằng bụng
Khi hít vào bụng dưới nhô lên (bụng trên cũng phình lên theo), khi thở ra bụng dưới xẹp dần theo cách: xoa lên - hít vào; xoa xuống - thở ra. Có thể tập luyện khi đi, đứng, nằm, ngồi mọi lúc mọi nơi.
Cách thở trên có tác dụng xoa bóp nội tạng, tăng cường nhu động của đường ruột, tránh rối loạn tiêu hóa và xảy ra táo bón. Phương pháp xoa bụng và hít thở nên kết hợp với nhau.
Sau khi ăn, không vận động ngay lập tức, phải chờ tối thiểu 1 giờ. Việc tập sau ăn làm tăng gánh nặng cho dạ dày, khiến thức ăn càng khó tiêu hóa.