Một miệng hố có đường kính 20 m mới được phát hiện ở vùng Siberia của Nga, gây lo ngại cho người dân địa phương.
Rinat Sharifullin, cư dân vùng Novokuznetsk của Siberia, là người đầu tiên phát hiện miệng hố bí ẩn cách nhà khoảng 100 m. Nó có đường kính khoảng 20 m và sâu 30 m. Theo Rinat, miệng hố có thể hình thành do tác động của hầm mỏ bỏ hoang dưới lòng đất.
Miệng hố mới hình thành ở vùng Novokuznetsk của Siberia. (Ảnh: Siberian Times)
"Chúng tôi phải rời khỏi đây. Có nhiều mỏ sâu trong lòng đất bên dưới vườn của chúng tôi và đã ngưng hoạt động từ những năm 1990", Natalia, vợ của Rinat, nói. Người dân tại đây lo sợ rằng chúng có thể "nuốt" nhà của họ.
Nhân viên của cơ quan khẩn cấp địa phương đã có mặt tại khu vực này, lập rào chắn xung quanh, lấp đất và tiến hành điều tra.
Theo RT, vị trí miệng hố mới cách khu vực từng xuất hiện các cấu trúc tương tự khoảng 3.500 km. Từ tháng 7/2014, các chuyên gia phát hiện ba miệng hố lớn đầu tiên ở Siberia nhưng không rõ nguyên nhân.
Theo giả thiết, khí hậu ấm lên toàn cầu làm khí methane bên dưới băng bị giải phóng đột ngột, gây ra những vụ nổ lớn dưới lòng đất và tạo nên hiện tượng này. Các nhà địa chất học cho biết một số miệng hố tương tự có thể từng tác động đến sự hình thành một số hồ nước trên bán đảo Yamal của Siberia.