"Cá sấu lên bờ" là tên một trò chơi của trẻ em mà có lẽ lúc còn bé bạn đã từng được nghe. Trò này đại khái một người sẽ đóng vai cá sấu, đuổi bắt những người còn lại nhưng không được "lên bờ" (nghĩa là không bắt những người đang nơi cao hơn sân chơi).
Nhưng điều này không có nghĩa cá sấu không thể lên bờ. Dù trong tên có một chữ "cá", nhưng cá sấu là một loài bò sát, hoàn toàn có thể lên cạn. Và dù trông dáng vẻ to lớn, lười biếng và lù đù, bạn chưa chắc đã chạy thoát khỏi chúng đâu. Bởi lẽ trong một nghiên cứu mới đây, khoa học đã xác nhận rằng cá sấu có thể phi nước đại, thậm chí là chạy mà chân không chạm đất (nhảy nước đại) giống chó và ngựa.
Như hình ảnh dưới đây, có ai dám nghĩ cá sấu là chậm chạp?
Cá sấu nhanh nhẹn hơn chúng ta tưởng.
Trước kia, cá sấu nước ngọt của Úc (Crocodylus johnston) được cho là loài duy nhất có thể làm như vậy. Nhưng hóa ra, con người đã đánh giá quá thấp nhà cá sấu rồi. Nghiên cứu mới cho thấy có ít nhất 5 loài cá sấu nữa làm được chuyện đó, nghĩa là chúng nhanh nhẹn hơn chúng ta tưởng.
Để thực hiện nghiên cứu, các chuyên gia đã đặt camera xung quanh sở thú Florida, qua đó đánh giá hành vi và tốc độ của 45 cá thể thuộc 15 loài cá sấu - bao gồm cả cá sấu châu Mỹ và cá sấu mõm dài caiman.
Kết quả, cá sấu châu Mỹ và cá sấu caiman - hai loài có kích cỡ lớn thì có thể chạy nước kiệu. Tuy nhiên, 8 loài cá sấu khác thì có thể phi nước đại, đến mức chân không chạm đất.
"Chúng tôi đã rất ngạc nhiên, dù kích cỡ của lũ cá sấu có khác nhau, nhưng chúng đều chạy rất nhanh" - John Hutchinson, chuyên gia sinh học tiến hóa từ ĐH thú y Hoàng gia (RVC, Anh) chia sẻ.
Hutchinson cho biết, bất kể kích cỡ nào, hầu hết các loài cá sấu đều có thể đạt đến tốc độ gần 18km/h - dù là nước kiệu hay nước đại.
"Chúng tôi nghĩ việc chạy nước đại sẽ giúp các loài cá sấu nhỏ tăng tốc nhanh hơn và đổi hướng tốt hơn, đặc biệt phù hợp để trốn chạy" - Hutchinson giải thích.
"Cá sấu châu Mỹ và caiman hoàn toàn có thể chống trả, thay vì chạy bán sống bán chết nên chúng không cần làm vậy."
Cá sấu châu Phi nói chung có khả năng sử dụng 2 chân một cách bất đối xứng.
Qua nghiên cứu, các chuyên gia nhận thấy cá sấu châu Phi nói chung có khả năng sử dụng 2 chân một cách bất đối xứng, cho sải chân của chúng dài hơn và nhờ thế mới phi được nước đại. Trong khi đó, cá sấu châu Mỹ không có khả năng này.
Các chuyên gia đặt ra 2 giả thuyết. Một là tổ tiên của cá sấu châu Mỹ đã mất khả năng này trong quá trình tiến hóa. Và hai là cá sấu châu Phi cùng 20 loài cá sấu khác trên thế giới đã bằng cách nào đó tiến hóa để sở hữu nó.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Scientific Reports.