Các bộ lạc, đất nước trên thế giới có rất nhiều nghi thức kỳ lạ để chứng tỏ sự trưởng thành, để rửa tội hay để tỏ lòng tôn kính với thần linh. Và để thực hiện được chúng những người tham gia nhiều khi phải gặp nguy hiểm hay trải qua những khoảnh khắc đau đớn về thể xác.
Okipa: Treo người, đâm gỗ và cắt ngón tay
Được thực hiện từ năm 1889, nghi lễ Okipa, một nghi lễ phức tạp của thổ dân Mandan bản địa tại Hoa Kỳ để dánh dấu sự trưởng thành của người đàn ông trong bộ tộc. Để bắt đầu nghi lễ, các chàng trai trẻ phải nhịn ăn, nhịn uống và không được phép ngủ trong suốt 4 ngày để mong được người dẫn linh hồn ghé thăm. Sau đó, họ sẽ được đưa tới một căn lều nơi họ phải giữ khuôn mặt tươi cười khi bị các mẩu gỗ đâm xuyên qua da ngực và các cơ bắp.
Sau đó họ sẽ dùng các xiên nhọn để treo cơ thể lên mái lều và giữ nguyên tư thế đó cho tới khi ngất xỉu. Để tăng cảm giác đau đớn, các quả nặng còn được buộc thêm vào 2 chân họ. Sau khi bị ngất, chàng trai trẻ sẽ được đưa xuống và những người đàn ông trong bộ tộc sẽ chờ anh ta tỉnh lại như một minh chứng linh hồn của chàng trai trẻ giờ đã trưởng thành. Chàng trai trẻ sau đó sẽ dâng ngón út bàn tay trái của mình cho Chúa bằng cách để một thầy tế đeo mặt nạ trong bộ tộc chặt nó bằng rìu.
Cuối cùng, những chàng trai tham gia sẽ chạy đua quanh làng với những mẩu gỗ vẫn còn trên người để xác định xem ai là người khỏe nhất. Những người hoàn thành nghi thức sẽ được kính trọng, và những ai có thể trải qua nghi thức này 2 lần sẽ được toàn bộ lạc kính nể suốt đời.
Sati: Vợ nhảy vào lửa theo chồng
Sati là một nghi thức cộng đồng phổ biến ở Ấn Độ thời trước. Khi người đàn ông trong một gia đình qua đời, người vợ sẽ phải nhảy vào lửa để “đi” theo chồng trong đám tang của ông ta. Có rất nhiều tài liệu cổ đã ghi rất chi tiết về điều kiện tham gia lễ Sati của phụ nữ. Theo đó, nếu góa phụ mang thai, đang trong chu kỳ kinh nguyệt hoặc kinh nguyệt không đều (dấu hiệu của việc mang thai) thì sẽ không được tham gia lễ Sati. Một yếu tố thú vị khác là vào ngày tang lễ, người vợ không mặc áo tang mà mặc bộ đồ cưới hoặc những quần áo đẹp nhất mình có.
Nghi lễ này được thực hiện từ năm 400 sau Công Nguyên và gần đây nhất là vào năm 2008, dù rằng người Anh đã cấm thực hiện Sati từ năm 1829 và ngày nay chính phủ Ấn Độ cũng không cho phép thực hiện. Tuy nhiên, tôn giáo Hindu cho rằng khi góa phụ tự thiêu, họ sẽ trở thành nữ thần và được phù hộ.
Đi dã ngoại ở… nghĩa địa
Ngày của người chết là một nghi thức lễ tổ chức chủ yếu ở Mexico và một số nước trên thế giới. Mục đích của buổi lễ là để người đã khuất và những người thân của họ gặp mặt nhau, linh hồn người chết sẽ nghe được những lời nguyện cầu của người đang sống. Những người tham gia lễ hội sẽ nhớ lại những sự kiện vui vẻ về người đã khuất.
Ngày lễ sẽ diễn ra từ ngày 1 đến hết ngày 2-11 cùng các ngày lễ công giáo. Theo truyền thống, người ta sẽ xây ban thờ cho người đã khuất và dùng các hộp sọ làm bằng đường để cúng họ. Người thân cũng sẽ trang trí hầm mộ bằng các loại đồ ăn thức uống hay quà tặng mà người đã chết yêu thích. Với trẻ con thì quà tặng thường là đồ chơi còn người lớn là rượu. Gia đình người chết cũng sẽ mang loại kẹo yêu thích cũng như chăn gối tới bên mộ để người chết có thể nghỉ ngơi thư giãn. Các gia đình có thể ngủ cả đêm bên mộ người chết mà không thấy sợ hãi hoặc cắm trại vui vẻ tại đó. Nhiều người mang theo cả búp bê của người đã chết đi cắm trại.
Đâm vào lưỡi, mũi và cổ họng để rửa tội
Bộ lạc Matausas tại Papua New Guinea đã thực hành lễ rửa tội cho các bé trai để loại bỏ tất cả ảnh hưởng nữ tính mà mẹ các cậu bé để lại. Các cậu bé sau khi trải qua nghi lễ sẽ trở thành những chiến binh dũng mãnh.
Ban đầu, họ dùng 2 thanh gỗ chèn vào cổ họng để gây nôn mửa làm dạ dày trống rỗng. Sau đó, các bông lau được nhét vào mũi các cậu bé để đẩy lùi các “ảnh hưởng xấu”. Cuối cùng, họ đâm liên tục vào lưỡi và cổ họng. Nghi lễ tàn nhẫn này có tác dụng “thanh tẩy” các bé trai để biến họ thành người đàn ông thực thụ.
Lao mình xuống đất
Lao mình xuống đất là một nghi lễ phổ biến ở phía Nam đảo Pentecost, Vanuatu. Những người đàn ông trong vùng sẽ nhảy xuống từ các tháp gỗ với hai dây leo cây quấn quanh mắt cá chân mà không có bất cứ thiết bị an toàn nào. Theo tín ngưỡng tại đây, cú nhảy từ độ cao càng lớn thì mùa màng càng bội thu.
Tháp gỗ cũng có các độ cao khác nhau. Nghi lễ bắt đầu với các bé trai 8 tuổi nhảy từ độ cao thấp cho tới những người trưởng thành nhảy xuống từ độ cao 20-30m. Cú nhảy lý tưởng là cú nhảy từ độ cao lớn và tiếp đất gần mặt đất nhất, tức là vai phải chạm đất. Nghi lễ này khá giống trò chơi bungee jump trừ việc dây leo không an toàn như các thiết bị bảo vệ và đầu người đàn ông phải chạm đất, thế nên nó rất nguy hiểm.
Người thực hiện bắt chéo 2 tay trước ngực để tránh chấn thương tay, đầu cúi xuống để vai có thể tiếp đất. Do đó, người nhảy có nguy cơ chấn thương rất lớn như gãy cổ. Vận tốc khi nhảy xuống có thể đạt 45 dặm/giờ.
Hiến tế người: Cắt dọc cơ thể và hiến tế trái tim
Hiến tế người không chỉ là đặc trưng hấp dẫn trong nền văn minh Aztec, nó còn là tín ngưỡng tồn giáo để làm hài lòng các thần linh và tránh thiên tai.
Người Aztec tin rằng cách tốt nhất để đền ơn Chúa trời là hiến tế bằng máu trong các nghi thức thường nhật. Thay vì tiêu diệt kẻ thù trên chiến trường, người Aztec sẽ đưa kẻ thù về làng để hiến tế.
Kẻ xấu số sẽ phải trèo lên đỉnh tháp cao qua rất nhiều bậc thang và khi lên tới đỉnh thầy tế sẽ cắt dọc thân thể họ từ cổ họng tới dạ dày. Sau đó, thầy tế sẽ moi tim kẻ thù để dâng lên thần linh. Cơ thể nạn nhân sau đó sẽ bị ném xuống thang, bị phanh thây hoặc mang đi nơi khác tùy vào mỗi nghi thức.
Vì người Aztec muốn hiến tế kẻ thù nên chiến lược đánh trận của họ thường là đặt bẫy làm kẻ thù bị thương hơn là giết họ. Các nô lệ cũng có thể bị hiến tế, nhưng chỉ khi họ quá lười biếng hoặc bị mua đi bán lại 3 lần.
Nghi lễ Santeria
Santeria là tín ngưỡng của các nước ở vùng Caribe kết hợp các yếu tố của phương Tây Phi, có nguồn gốc Caribbean, và Kitô giáo (đặc biệt là Công giáo La Mã ). Để trở thành các linh mục của Santeria, người tham gia nghi lễ phải trải qua nghi thức rửa tội. Sau khi rửa tội, họ tiếp tục trải qua một số nghi thức nữa.
Nghi lễ đầu tiên là đeo chuỗi hạt được ngâm trong hỗn hợp thảo dược, máu của người muốn trở thành linh mục và một số chất khác để có thể tiếp xúc với thần Orichas.
Nghi lễ thứ 2 là tạo ra hình ảnh của thần Orichas Elegua bằng cách điêu khắc để xua đuổi các linh hồn ma quỷ khỏi nhà linh mục.
Nghi thức thứ 3 là nghi thức “chấp nhận chiến binh”, người linh mục sẽ được thần Orichas truyền năng lượng, trở thành một con người mới và sống với một số phận mới. Sau khi nghi lễ kết thúc, người linh mục sẽ phải mặc đồ trắng và tránh va chạm cơ thể với người khác trong suốt một năm.
El Colacho: Nhảy qua em bé
El Colacho, là một kỳ nghỉ truyền thống tại Tây Ban Nha bắt đầu từ năm 1620 diễn ra hàng năm để kỷ niệm ngày lễ Công giáo Corpus Christi ở làng Castrillo de Murcia gần Burgos.
Trong kỳ nghỉ lễ có một nghi thức gọi là nhảy qua người các em bé. Một cô gái sẽ rải những cánh hoa hồng lên người các em bé được sinh ra trong vòng một năm trở lại đây. Một vị linh mục sau đó sẽ làm lễ phù hộ cho các bé và một người đàn ông trong trang phục quỷ, gọi là Colacho sẽ nhảy qua các em bé đang nằm trên phố.
Nguồn gốc của nghi lễ này chưa được làm sáng tỏ nhưng mục đích của nó là để đảm bảo an toàn trong suốt cuộc đời cho em bé, giúp các bé tránh được ốm đau và ma quỷ.