Nghi ngờ lòng tin có từ lâu đời rằng bú sữa mẹ bảo vệ tất cả các bé khỏi bệnh tật như nhau, cuộc nghiên cứu do các nhà nghiên cứu thuộc trung tâm nhi khoa Johns Hopkin dẫn đầu đã cho thấy rằng, khi các bệnh nhiễm đường hô hấp bùng phát thì hiệu quả bảo vệ của sữa mẹ ở bé gái cao hơn bé trai.
Theo dõi 119 đứa bé đẻ non ở Buenos Aires trong năm đầu đời, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, bú sữa mẹ không chỉ mang lại sự bảo vệ cho các bé gái nhiều hơn bé trai mà các bé gái bú sữa bột còn có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính cao nhất.
Các kết quả thu được – được báo cáo trên số ra tháng 6 của tạp chí nhi khoa – làm tăng nghi ngờ về thuyết cho rằng, các hóa chất ở hệ thống miễn dịch có trong sữa mẹ và chuyển trực tiếp từ mẹ sang con mới sinh có nhiệm vụ ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm. Các nhà nghiên cứu nói rằng, nếu đúng như thế thì cả bé trai và bé gái sẽ có thể được bảo vệ như nhau.
Hơn nữa, bú sữa mẹ không gây ảnh hưởng đến số lượng các bệnh truyền nhiễm, mà là tính ngặt nghèo và sự cần thiết phải nhập viện của chúng. Điều này có nghĩa là sữa mẹ không giúp đứa trẻ ngăn ngừa bệnh truyền nhiễm mà là giúp cho đứa trẻ đương đầu với bệnh truyền nhiễm tốt hơn.
Tiến sĩ Fernando Polack – nhà nghiên cứu chính và là chuyên gia về bệnh truyền nhiễm thuộc trung tâm nhi khoa Hopkins cho biết: “Dưới ánh sáng của những kết quả này, chúng tôi bắt đầu nghĩ rằng, sữa không trực tiếp chuyển sự bảo vệ chống lại các bệnh nhiễm trùng phổi mà thay vào đó là kích hoạt 1 cơ chế bảo vệ chung đã có trong đứa trẻ”.
(Ảnh: chamsocbe.com) |
Các nhà nghiên cứu cho biết, các kết quả thu được đặc biệt quan trọng đối với việc chăm sóc sức khỏe ở các nước đang phát triển, nơi mà các thuốc kháng sinh cũng như các phương pháp trị liệu khác rất hiếm, và là nơi ước tính có khoảng ¼ trẻ sinh non tử vong ở bệnh viện do bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính.
Polack cho biết: “Khi các phương pháp trị liệu hạn chế, nó giúp biết được rằng nhóm nguy cơ nhiễm bệnh cao của bạn là các bé gái bú sữa bột. Các kết quả thu được còn cho thấy rằng, nên khuyến khích các bà mẹ của các bé gái sinh non cho con bú sữa mẹ."
Ngược lại, ở Mỹ, các loại thuốc ngăn ngừa các biến chứng luôn sẵn có, còn nhập viện thì không mấy thường xuyên lắm. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, bởi vì các thuốc này chỉ bảo vệ khỏi 2 trong số rất nhiều loại virut và rất đắt, cho nên các bà mẹ nên cho cả bé trai và bé gái bú sữa mẹ khi có thể. Mặc dù có những khác biệt về giới tính trong mức độ bảo vệ chống lại các bệnh về đường hô hấp, nhưng các nhà nghiên cứu nói rằng, bú sữa mẹ vẫn là cách nuôi dưỡng tốt nhất đối với cả trẻ sinh đủ tháng và sinh non bất kể giới tính nào, và lợi ích của việc bú sữa mẹ là kéo dài sự phát triển não bộ và sức khỏe tổng quát.
Để thực hiện cuộc nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã theo dõi phản ứng của 1 bệnh nhiễm trùng đầu tiên sau khi sinh, và nhận thấy rằng, các bé gái bú sữa mẹ phải nhập viện do bệnh hô hấp cấp tính thấp nhất. Chỉ 6% (2 trong 31 trẻ) bé gái bú sữa mẹ mắc bệnh nhiễm trùng đầu tiên đủ nặng để phải nhập viện so với 50% (12 trong 24 trẻ) những bé gái không bú sữa mẹ. Hầu như không có sự khác biệt nào về việc nhập viện do bệnh truyền nhiễm đầu tiên ở những bé trai bú hay không bú sữa mẹ, với 18% trong nhóm bú và không bú sữa mẹ phát các bệnh nhiễm đường hô hấp cấp tính. Khuôn mẫu này đã tự lặp lại suốt năm đầu đời và ở những bệnh truyền nhiễm sau này, với các bé gái bú sữa mẹ cho thấy ít biến chứng và nhập viện hơn cả bé gái uống sữa bột, và bé trai uống sữa bột và bú sữa mẹ. Trong năm đầu đời, các bé gái bú sữa bột tiếp tục có nguy cơ mắc bệnh về đường hô hấp cấp tính cao nhất.
Thực vậy, nếu sữa mẹ đem lại cơ chế bảo vệ được kích hoạt chung nhưng có thể thay đổi chống lại vô số loại virut, thì bước tiếp theo đó là nghĩ ra chính xác bằng cách nào mà cơ chế này được kích hoạt và tại sao nó lại tương đối khó kích hoạt hơn ở bé trai.
Polack cho biết: “Việc làm sáng tỏ cơ chế này có thể đem lại hiệu quả bằng 5 hoặc 6 loại vacxin, bởi vì các vacxin có phạm vi bảo vệ hạn hẹp và chỉ có hiệu quả chống lại các loại virut cụ thể."