Khảo sát đáy biển sâu, các nhà khoa học đã phát hiện nhiều loài sinh vật bí ẩn hơn cả những gì mà con người có thể tưởng tượng. Ở một vị trí sâu gần 3,2 km ở Đại Tây Dương, họ phát hiện một loài tôm sống xung quanh một miệng phun nước với nhiệt độ lên đến 765 độ Fahrenheit (425 độ C), trong khi nước xung quanh vị trí này lạnh 20 độ C.
Ở một địa điểm khác trong vùng Biển San hô, họ phát hiện một loài tôm được cho là đã tuyệt chủng từ 50 triệu năm trước.
Bên dưới biển Sargasso ở Đại Tây Dương, các nhà nghiên cứu "sưu tầm" được hàng chục loài mới ăn lẫn nhau để tồn tại hoặc sống nhờ vào các chất hữu cơ bị cuốn trôi xuống biển.
“Các loài động vật dường như đều tìm cho mình một cách thức để tồn tại gần như ở bất cứ đâu”, nhà khoa học Jesse Ausubel nói.
Eaugaptilis hyperboreus - một sinh vật biển thuộc bộ chân kiếm mà các nhà khoa học vừa phát hiện (Ảnh: Telecinco.es) |
Những thông tin trên nằm trong một bản báo cáo vừa được công bố hôm qua (10-12), là một phần của công trình nghiên cứu đời sống đại dương dự kiến sẽ được xuất bản vào năm 2010. Tham gia công trình này có khoảng 2.000 nhà nghiên cứu đến từ 80 quốc gia trên thế giới.
Theo Ausubel, hiện các nhà khoa học chỉ mới biết có gần 16.000 loài cá biển và 70.000 loài động vật có vú sống ở biển. Những phát hiện mới đây cho thấy còn rất nhiều bí ẩn bên dưới đại dương chưa được con người khám phá!
Một số phát hiện dưới đại dương nổi bật trong năm 2006: - Tôm và trai sống gần miệng phun cực nóng ở Đại Tây Dương, nơi chúng phải đối mặt với các mạch nước nóng gần như sôi trong khi biển chung quanh vô cùng lạnh lẽo. - Ở vùng biển xung Nam Cực, một cộng đồng sinh vật biển bị bao phủ trong bóng tối bên dưới lớp băng dày hơn 487 m. - Ngoài khơi New Jersey, 20 triệu con cá bơi thành một đàn ở vùng biển Manhattan. - Phát hiện loài tôm có tên gọi Neoglyphea neocaledonica được cho là đã tuyệt chủng từ hàng triệu năm trước. Các nhà khoa học gọi nó là “tôm kỷ Jura”… |
T.VY