Bí ẩn của sự lười biếng

  •   417
  • 29.222

Tiến sĩ, bác sĩ tâm thần Neel Burton của Mỹ mô tả trên Psychology Today rằng, thật ra một người lười biếng vẫn có khả năng thực hiện các hoạt động như tất cả mọi người, nhưng đơn giản họ không muốn và không nỗ lực thực hiện hay hoạt động một cách cầm chừng...

>>> Video: Khoa học của sự lười biếng

Đối với một số người, lười biếng là một bệnh trạng có thể bị ảnh hưởng từ một vấn đề tiềm ẩn về sức khỏe tâm thần, trong đó có cả rối loạn giấc ngủ, tâm thần phân liệt, trầm cảm hoặc rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD).

Lười biếng và tâm lý học

Tiến sĩ Burton tin rằng nhiều người lười biếng không phải do bản chất lười biếng. Ông khẳng định họ lười vì họ không tìm thấy niềm vui trong những việc họ làm, hoặc họ không muốn làm vì một lý do nào đó, có thể là sợ hãi hay tuyệt vọng. Tiến sĩ Burton cho biết thêm, thậm chí một số người còn lo sợ… thành công, hoặc không đủ lòng tự trọng để cảm thấy thoải mái với sự thành công đó. Đối với họ, lười biếng là một cách để thoái thác vấn đề. Trong khi đó, đối với những người sợ thất bại, họ xem lười biếng là một cái cớ vô cùng thích hợp, nên họ không bao giờ cố gắng. Khi nói đến cảm giác tuyệt vọng, tiến sĩ Burton nhận xét một số người lười biếng vì họ nhìn thấy tình trạng của họ quá ảm đạm và họ thậm chí không thể suy nghĩ được bất kỳ chuyện gì nên tìm cách lảng tránh.

Lý do y tế

Nếu những lý do tâm lý không giải thích được sự lười biếng, thì vấn đề có thể nằm trong gene của bạn.

Một phát hiện mới cho thấy một gene trong cơ thể có nhiệm vụ sản xuất protein ở hệ thống dopamine trong não, chính là thủ phạm khiến một số người ít có khuynh hướng ham thích hoạt động thể chất, kết luận của trưởng nhóm nghiên cứu, Giáo sư Li Wei của Viện Di truyền học và sinh học tại Bắc Kinh (Trung Quốc) công bố trên tạp chí PLoS Genetics.

Bí ẩn của sự lười biếng
Cuộc sống năng động đem lại nhiều năng lượng cho bạn - (Ảnh: Shutterstock)

Đồng quan điểm với Giáo sư Li, Giáo sư John Speakman của Đại học Aberdeen (Anh), sau khi tiến hành nghiên cứu trên chuột đã phát hiện những con chuột mang gen đột biến, các loại thụ thể dopamine trên bề mặt của các tế bào não có xu hướng giảm đáng kể. Các thụ thể dopamine bị mắc kẹt bên trong các tế bào, dẫn đến rối loạn chức năng truyền tín hiệu.

Giáo sư Li nhận xét, giống con người, những con chuột có đột biến gen, chỉ có thể đi bộ khoảng 1/3 quãng đường mà các con chuột bình thường đi, thậm chí khi di chuyển, chúng trở nên rề rà, chậm chạp hơn. Chuột mang gen đột biến này cũng có nhiều khả năng phát triển các vấn đề sức khỏe và tăng cân.

Tuy nhiên, khi điều trị bằng một loại thuốc kích thích thụ thể dopamine, các vấn đề trên được đảo ngược và những con chuột bị ảnh hưởng trở nên linh hoạt hơn. Đây chính là tín hiệu đáng mừng trong việc phát hiện thuốc có thể làm giảm sự lười biếng của con người. Tuy nhiên, những đột biến này rất hiếm, thường chỉ có khoảng 1 trong 200 người bị ảnh hưởng.

Dopamine

Một nghiên cứu trước đây đăng tải trên LiveScience cũng tập trung vào mối liên hệ giữa mức độ dopamine với mức độ làm việc chăm chỉ. Các nhà nghiên cứu từ Đại học Vanderbilt ở Tennessee (Mỹ) thấy rằng mức độ dopamine trong khu vực của não bộ có thể giúp xác định xem một người lười biếng hay chăm chỉ. Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Journal of Neuroscience năm 2012. Theo các nhà nghiên cứu, hóa chất này có tác dụng đối lập ở các vùng não khác nhau. Theo đó, nồng độ dopamine cao ở một số vùng não được liên kết với một tinh thần làm việc cao, và ngược lại nồng độ dopamine thấp có liên quan đến những rủi ro và sự lười biếng.

Thói quen vận động

Theo Daily Mail, khi lý do y tế và tâm lý được gác sang một bên, yếu tố lối sống được đem ra xem xét bởi theo các nhà khoa học lối sống “nghèo nàn” có thể gây ra sự lười biếng. Bệnh béo phì, thừa cân và ít vận động là một trong số những yếu tố quan trọng liên quan đến sự chăm chỉ hay lười biếng. Một nghiên cứu cho thấy trẻ em thừa cân, ít vận động thường có lối sống thụ động hơn khi đến tuổi trưởng thành. Không chỉ bị ảnh hưởng của vận động, dinh dưỡng không khoa học và tiêu thụ quá nhiều thức ăn nhanh cũng có thể khiến chúng ta cảm thấy chậm chạp, trì trệ hơn.

Đối phó với lười biếng

Mỗi khi nhận thấy cơ thể mệt mỏi, nên dành thời gian để thư giãn. Khi bị cảm giác căng thẳng và quá tải tấn công, tìm cách đơn giản hóa cuộc sống và giải quyết từng vấn đề riêng lẻ tại từng thời điểm thích hợp. Nếu sợ hãi, hãy thử và khám phá những gì gây nên nỗi sợ hãi đó. Khi đang buồn hay tổn thương, hãy cho mình thời gian để chữa lành nỗi đau trong tâm hồn.

Những cảm xúc tiêu cực như buồn bã, giận dữ và đau buồn không chỉ biến mất một cách chớp nhoáng, do đó, tránh gây áp lực cho bản thân, hãy để mọi thứ diễn ra theo lẽ thường tình, cũng có thể tìm kiếm sự giúp đỡ của các chuyên gia tư vấn để vượt qua giai đoạn khó khăn.

Bên cạnh đó, tập thể dục là một hoạt động giúp tăng cường tâm trí khi cảm thấy mất hết động lực sống. Tập thể dục không chỉ làm tăng năng lượng mà còn tăng tốc sự trao đổi chất, tăng lưu lượng oxy và máu, giúp cơ thể tràn đầy sinh lực.

Theo Thanh Niên
  • 417
  • 29.222