Nghiên cứu mới đây cho thấy loài động vật di cư có xu hướng "sống nhanh và chết trẻ".
Trong khi đó, những loài động vật ít vận động, thích sống yên vị, tránh di chuyển nhiều lại có tuổi thọ tương đối dài.
Để thực hiện nghiên cứu này, các nhà khoa học tại Đại học Exeter đã phân tích mô hình phát triển và tuổi thọ của khoảng 1.300 loài động vật có vú và chim.
Họ phát hiện các loài di cư phát triển nhanh hơn, sinh sản sớm hơn nhưng tuổi thọ ngắn hơn so với những loài sống cố định hơn chúng.
Phân tích này giúp lý giải vì sao nhiều loài di cư đang suy giảm.
Các loài di cư "đoản thọ" hơn loài sống cố định. (Ảnh: UPI).
"Nhiều loài di cư trên một quãng đường dài và điều này đòi hỏi một năng lượng đáng kể", tác giả chính của nghiên cứu Andrea Soriano-Redondo cho biết.
Thay vì "đầu tư sức lực" để sinh tồn, các loài di cư tập trung vào việc sinh sản sớm hơn và nhanh hơn. Khả năng "đẻ sớm" có thể giúp nhiều loài di cư bù đắp rủi ro do lối sống tốc độ nhanh của chúng.
Nghiên cứu mới đây cũng cho thấy những thay đổi về nhiệt độ trên toàn cầu làm tăng nguy cơ với các loài di cư.
"Từ lâu chúng tôi đã cho rằng di cư là một hành vi rủi ro. Các loài động vật thường chớp lấy cơ hội khi chúng di cư với hy vọng tìm được điều kiện thích hợp ở nơi đến của chúng", đồng tác giả nghiên cứu Stuart Bearhop cho biết.