Bệnh bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính xảy ra ở mọi lứa tuổi và có thể dẫn tới tử vong nhanh chóng nếu không được điều trị kịp thời.
Bệnh bạch hầu gây tổn thương chủ yếu ở vòm hầu, họng, mũi, thanh quản, ở da và các vùng niêm mạc khác...
Bệnh bạch hầu có thể lây truyền cao từ người mắc bệnh sang người khác thông qua đường hô hấp (hắt hơi, ho) và tiếp xúc trực tiếp. Bệnh có thể gây nhiễm trùng mũi, họng dẫn tới tử vong.
Điều đáng mừng là hiện nay nhờ có vacxin nên bệnh ít gặp hơn hoặc có thể gặp nhưng nhẹ hơn so với trước.
Trẻ em là đối tượng hay mắc bệnh bạch hầu
Triệu chứng của bệnh
Triệu chứng bệnh thay đổi tùy vị trí, thời gian và sự phân bố độc tố vi khuẩn trong cơ thể và tình trạng miễn dịch của đứa trẻ. Thời kỳ ủ bệnh chừng 2-4 ngày, biểu hiện bằng các triệu chứng khó chịu như nhức đầu, đau họng. Tùy vị trí vi khuẩn phát sinh ở mũi, họng hay thanh quản mà có các biểu hiện lâm sàng khác nhau:
Bạch hầu mũi
Thường bắt đầu bằng chảy nước mũi nhẹ một hoặc hai bên, kéo dài mấy ngày liền, có khi nước mũi lẫn máu làm loét môi và có mùi hôi. Triệu chứng toàn thân có thể nhẹ nhưng vẫn có thể hình thành một màng ở vách mũi. Bệnh thường gặp ở trẻ còn bú.
Bệnh hầu họng
Đứa trẻ đột ngột đau họng, nhức đầu và khó chịu, đồng thời mạch quá nhanh so với tình trạng sốt nhẹ. Khám họng có thể dễ dàng nhìn thấy màng giả màu trắng xám ở họng. Nếu bóc lớp màng này sẽ gây chảy máu (đó chính là một đặc điểm của màng giả bạch hầu).
Bạch hầu thanh quản
Thường do bạch hầu họng lan xuống, bệnh gặp ở trẻ còn bú. Triệu chứng bắt đầu là tiếng ho khàn, rồi thở rít, co kéo hõm ức, vẻ mặt sợ hãi. Dấu hiệu khó thở ngày càng tăng, nếu không xử lý kịp có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Ngoài ra, vi khuẩn bạch hầu có thể gây tổn thương ở mắt, tai, âm đạo và ngoài da. Những tổn thương ngoài da là nguồn lây bệnh quan trọng từ người này sang người khác.
Biến chứng của bệnh
Biến chứng của bệnh bạch hầu: là nguyên nhân quan trọng gây tử vong ở trẻ.
Biến chứng tim mạch: Đó là viêm cơ tim do nhiễm độc thường xảy ra vào ngày thứ hai đến ngày thứ bảy. Biểu hiện: nhịp tim nhanh, tim có tiếng thổi, đặc biệt có thể rối loạn dẫn truyền dẫn tới ngừng tim và tử vong.
Biến chứng thần kinh: Bao gồm liệt cục bộ các dây thần kinh sọ (số 4, số 10), xuất hiện sớm nhất vào ngày thứ 5, có thể kèm nhìn mờ, khó nuốt, nói giọng mũi... Có thể xuất hiện suy tim và trụy mạch do thoái hóa các trung tâm vận mạch và liệt lớp cơ động mạch vào tuần lễ thứ hai hoặc thứ 3 sau phát bệnh.
Biến chứng viêm dây thần kinh ngoại biên: Đây là biến chứng muộn có khi xảy ra 12 tuần lễ sau thương tổn cục bộ. Có khi liệt toàn thể hoặc đồng thời liệt dây thần kinh hoành, viêm dạ dày và viêm gan.
Cách phòng tránh bệnh
Cách tốt nhất để phòng bệnh bạch hầu là tiêm vacxin cho trẻ theo lịch tiêm chủng. Trẻ nên tiêm vaccine 3 lần khi mới sinh ra, mỗi lần cách nhau 1 tháng, sau đó 1 năm sau nhắc lại và sau 5 năm nhắc lại một lần nữa. Tuy nhiên, tiêm vacxin không phải bao giờ cũng có kết quả hoàn toàn nhưng nếu đã tiêm thì khi nhiễm bệnh sẽ nhẹ hơn và ít biến chứng hơn.
Đối với người nhiễm bệnh Bạch hầu, cần cách ly bệnh nhân ít nhất 2 ngày sau điều trị kháng sinh thích hợp và đeo khẩu trang khi tiếp xúc. Ngoài ra cần vệ sinh phòng ở, đồ dùng cá nhân, đồ chơi... bằng dung dịch sát khuẩn.
Tóm lại: Các bậc cha mẹ cần biết cách phát hiện sớm, khi trẻ mắc bệnh cần sớm đưa trẻ đến khám và điều trị tại bệnh viện để tránh những hậu quả đáng tiếc do đến muộn. Đây là bệnh truyền nhiễm lây lan nhanh nên khi phát hiện cần cách ly trẻ sớm.