Con người không phải là động vật duy nhất biết tự dùng thuốc

Nghiên cứu cho thấy chim sẻ và các động vật khác cũng sử dụng thực vật để tự chữa bệnh.

Mới đây, các nhà nghiên cứu từ Trung Quốc đã công bố một nghiên cứu trong đó mô tả một hành vi hấp dẫn của loài sẻ Nga. Những con chim này dường như đã sử dụng một lượng thuốc đặc biệt để phòng bệnh cho những con non của mình. Đó là cây ngải cứu, được bỏ vào tổ với tác dụng tiêu diệt ký sinh trùng và thúc đẩy tăng trưởng. Điều này gợi mở ra hai điều: một là chúng hiểu các đặc tính có lợi của cây, và hai là chúng nhận thức và đang đầu tư vào tương lai của chim non.


Chim sẻ Nga biết dùng thuốc để bảo vệ con non của mình.

Điều này rất đáng chú ý, bởi những con chim sẻ chỉ là sự bổ sung mới nhất cho một danh sách dài các loài động vật có thể tự dùng thuốc.

Và chúng đặt cho các nhà nghiên cứu những câu hỏi lớn: Hành vi này là học được, hay là bản năng? Kiến thức này có được chia sẻ giữa các cộng đồng và gia đình động vật không? Động vật có thử các chất khác nhau cho đến khi chúng cảm thấy tốt hơn không? Có phải bệnh tật chỉ đơn giản là gây ra cho các con vật xu hướng nếm thử các loại cây để tìm ra thứ có ích? Chọn lọc tự nhiên có ưu ái cho sự tồn tại của các loài động vật biết ăn dược chất không?

Trên thực tế, lĩnh vực nghiên cứu xem xét động vật tự dùng thuốc còn được gọi là zoopharmacognosy.

"Tôi tin mọi loài còn sống ngày nay đều tự chữa bệnh bằng cách này hay cách khác", nhà nghiên cứu Michael Huffman thuộc Viện Nghiên cứu Linh trưởng tại Đại học Kyoto từng chia sẻ với tờ New York Times vào năm 2017.

Các dược sĩ động vật


Những loài linh trưởng thường thành thạo nhất trong việc tự dùng thuốc.

Trong bài báo trên New York Times kể trên, Huffman kể câu chuyện về một con tinh tinh mà ông quan sát được tên là Chausiku, biết chữa trị triệu chứng khó chịu của mình bằng cách nhai nước ép từ cây Vernonia amygdalina.

Theo một cán bộ kiểm lâm địa phương, loại cây này có chứa dược lực mạnh nhưng cũng có thể gây chết người nếu sử dụng ở liều lượng lớn. Nhưng Chausiku bằng cách nào đó biết mình phải uống bao nhiêu nước trái cây, và con tinh tinh cái này sẽ phục hồi năng lượng của mình chỉ trong vài ngày. Sau khi dùng "thuốc", nó đã hồi phục với cảm giác thèm ăn mạnh mẽ, cho thấy đây là cách giải quyết đúng đắn với một số chứng đau ruột của mình. Thử nghiệm sau đó về loại cây cho thấy nó có nhiều hợp chất có khả năng chống ký sinh trùng mạnh.

Có vẻ như rõ ràng rằng loại hiểu biết về y học này phổ biến khắp vương quốc động vật. Một bài báo trên Kỷ yếu Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (PNAS), đã được chia sẻ bởi Trung tâm Thông tin Công nghệ Sinh học Quốc gia vào năm 2014, cũng đưa ra một số ví dụ khác đáng lưu ý.

Một số báo cáo về gấu, hươu, nai và nai sừng tấm biết ăn cây thuốc.

Những con voi ở Kenya có thể tự kích thích việc chuyển dạ bằng cách ăn một số loại lá cây.

Thằn lằn ăn một loại rễ chống nọc độc đặc biệt sau khi bị rắn cắn.

Vẹt Ara chloropterus ăn đất sét để giúp làm dịu quá trình tiêu hóa của chúng (đất sét là một chất kháng axit, giúp cân bằng độ pH trong dạ dày) và tiêu diệt vi khuẩn.

Khỉ nhện cái ở Brazil có khả năng kiểm soát khả năng sinh sản của mình nhờ ăn một số loại thực vật. Khi một con khỉ cái đã sinh con, nó sẽ tìm kiếm một số loại lá có chứa isoflavonoid, hợp chất giống như estrogen để làm giảm khả năng sinh sản. Ngược lại, khi sẵn sàng sinh con, con cái dường như ăn nhiều hơn một loại cây họ đậu đặc biệt, loại cây này tạo ra một loại steroid được cho là có tác dụng tăng cường khả năng sinh sản.

Có thể nói, những loài linh trưởng thường thành thạo nhất trong việc tự dùng thuốc. Tinh tinh, vượn bonobo và khỉ đột thường được bắt gặp cảnh nuốt những chiếc lá xù xì để loại bỏ ký sinh trùng khỏi hệ tiêu hóa. Tinh tinh bị giun đũa cũng sẽ ăn những loại cây có mùi vị khủng khiếp để chữa những bệnh truyền nhiễm.

Nhiều loài động vật - chẳng hạn như những con chim sẻ ở Nga và một số loài sâu bướm - cũng ăn các thực vật có tác dụng tiêu diệt hoặc xua đuổi ký sinh trùng.

Có những loài kiến ​​sử dụng nhựa cây vân sam kháng khuẩn để giữ cho tổ của chúng không có mầm bệnh. Chim sẻ thông và chim sẻ thường lót ổ bằng tàn thuốc lá để hạn chế bọ ve.

May mắn hay bản năng?


Một số loài sâu bướm cũng biết ăn các thực vật có tác dụng tiêu diệt hoặc xua đuổi ký sinh trùng.

Nếu khoa học là việc tiến hành các quan sát, đặc biệt là về nguyên nhân và kết quả, thì có thể những con vật kể trên đang tiến hành một loại khoa học của riêng chúng. Như nhà tâm lý học Robin Dunbar từng chia sẻ, phương pháp đơn giản này cũng là cách con người và các sinh vật khác tìm ra cách hoạt động của mọi thứ.

"Khoa học là một công cụ phổ cập, đặc trưng của tất cả các dạng sống tiên tiến", ông nói.

Nguồn kiến ​​thức y học của động vật có thể đơn giản như nguồn kiến ​​thức đến với một cá nhân có vấn đề về tiêu hóa, khi thấy rằng chỉ cần ăn một loại thực vật sẽ khiến nó cảm thấy dễ chịu hơn, và một chút kiến ​​thức này sẽ hữu ích khi nó một lần nữa bị ốm. Có lẽ những con khác gần đó nhìn thấy những gì đã xảy ra và học mẹo để tự phục hồi sau cơn đau. Có lẽ con non học dùng thuốc bằng cách quan sát những con trưởng thành.

Theo quan điểm của nhà nghiên cứu Jaap de Roode từ Đại học Emory, thì "các loài linh trưởng không quá khác biệt so với chúng ta. Chúng có thể học hỏi lẫn nhau và chúng có thể tạo ra mối liên hệ giữa việc dùng cây thuốc và cảm thấy tốt hơn."

Mặt khác, điều này cũng có thể là sự chọn lọc tự nhiên. Động vật có thiên hướng tự nhiên để ăn các loại thực vật này khi bụng của chúng bị đau. Sau đó, nó sống sót để sinh sản trong khi những cá thể khác bị đau bụng thì không. Động vật sử dụng thực vật làm thuốc mà không có bất kỳ kiến ​​thức hoặc hiểu biết cụ thể nào.

"Mọi người từng tin rằng phải rất thông minh để [tự dùng thuốc]", de Roode nói, nhưng điều này có thể không phải như vậy. Ông trích dẫn ví dụ về những con bướm chúa bị nhiễm ký sinh trùng sẽ đẻ trứng của chúng trong cây thuộc chi bông tai (Milkweed) có khả năng chống ký sinh trùng, như một sự lựa chọn. Ông nói: "Tôi sẽ không nói đó là một lựa chọn có ý thức, nhưng đó là một lựa chọn, vì những con bướm chúa khỏe mạnh không thể hiện sự ưa thích như vậy".

Tuy nhiên điều này có hiệu quả, và các chuyên gia nói rằng chúng ta sẽ hưởng lợi nếu để mắt đến tất cả những "dược sĩ không phải con người" này. Bởi có thể có những phương pháp chữa trị mà chúng biết là thứ mà các bác sĩ là con người chưa nắm bắt được. Như quan điểm của de Roode thì động vật "đã nghiên cứu y học lâu hơn chúng ta nhiều."

Cập nhật: 14/12/2020 Theo Trí Thức Trẻ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video