Đã giải mã được hòn đá biết đi ở thung lũng Chết

Hiện tượng những hòn đá di chuyển tại khu vực thung lũng chết là một bài toán bí ẩn chưa có lời giải đáp trong suốt nhiều năm qua. Nhiều giả thuyết được đưa ra nhằm lý giải cho hiện tượng kỳ bí trên bao gồm cả tác động của từ trường hoặc thậm chí là do việc làm của người ngoài hành tinh. Mãi cho đến mới đây, nhóm các nhà nghiên cứu tại Viện hải dương học Scripps thuộc Đại học San Diego đã có lời giải đáp thỏa đáng cho hiện tượng kỳ lạ nói trên. Kết quả nghiên cứu vừa mới được công bố trên chuyên trang của Thư viện khoa học cộng đồng PLoS.

>>> Giải mã bí ẩn về hòn đá "chạy" ở Thung lũng Chết

Thung lũng Chết (Death Valley) là một thung lũng dài và hẹp thuộc khu vực phía Đông sa mạc Mojave, California. Đây là cũng là vùng đất có địa hình thấp nhất, khí hậu khô và nóng nhất tại Bắc Mỹ. Nổi bật tại nơi đây là một chiếc hồ khô, diện tích lớn với những hòn đá (có thể lên tới 320kg)có khả năng tự di chuyển và để lại phía sau nó những vệt dài trên nền đất nứt nẻ.

Nhiều giả thuyết đã được đưa ra để lý giải cho sự di chuyển của các hòn đá như do ảnh hưởng của từ trường, gió lốc, những lớp tảo trơn, lớp băng mỏng hay thậm chí là có sự nhúng tay của sinh vật ngoài Trái Đất. Tuy nhiên, vẫn chưa có ai xác nhận các giả thuyết trên và cũng không có người nào thật sự nhìn thấy hòn đá đang di chuyển. Các giả thuyết vẫn còn gây nhiều tranh cãi và đây được xem như một trong số những hiện tượng kỳ bí mà khoa học ngày nay vẫn chưa giải thích được.

Do đó, với mục tiêu đi tìm lời giải thích thỏa đáng cho hiện tượng này, một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học San Diego quyết định thực hiện nghiên cứu khoa học với quy mô chưa từng có trước đó. Từ mùa đông năm 2011, nhóm đã đặt một trạm khí tượng với độ chính xác và tin cậy cao nhằm đo đạc sức gió trong khoảng thời gian mỗi giây 1 lần. Đồng thời, nhóm mang tới đây 15 hòn đá có trang bị hệ thống định vị GPS để phục vụ công tác nghiên cứu.

Thời gian đầu, các tản đá cực kỳ ít di chuyển đã khiến các nhà khoa học phán đoán rằng công tác nghiên cứu có thể lên tới 10 năm hoặc thậm chí là lâu hơn nữa. Tuy nhiên, may mắn đã bất ngờ xảy đến. Vào tháng 12/2013, 2 người dẫn đầu nghiên cứu là Jim Norris và Richard Norris đã đến khảo sát khu vực lòng hồ tại thung lũng chết. Thời điểm đó, lòng hồ đang ngập trong lớp nước với độ sâu khoảng 7cm. Richard cho biết: "Vào buổi trưa ngày 21/12/2013, thời điểm duy nhất trong ngày băng trên mặt hồ tan ra. Chúng tôi đã nghe được những tiếng răng rắc và lốp bốp do băng tan trên khắp bề mặt hồ cạn. Tôi đã reo lên với cộng sự mình rằng, đây chính là nguyên nhân".

Từ quan sát trên, các nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng chuyển động của các tảng đá đòi hỏi một sự phối hợp hoàn hảo của nhiều sự kiện khác nhau.

  • Đầu tiên, bề mặt thung lũng phải được phủ lớp nước với độ sâu đủ lớn để tạo thành lớp băng nổi trong suốt mùa đông nhưng vẫn còn đủ độ nông để các hòn đá còn nhô lên không khí.
  • Khi nhiệt độ xuống thấp vào ban đêm, hồ cạn sẽ đóng một lớp băng mỏng (windowpane ice) phía trên, bên dưới vẫn là nước lỏng. Lượng băng sau đó sẽ dày lên để đủ độ cứng và tạo đủ lực đẩy tảng đá, nhưng vẫn còn phải đủ mỏng để có thể tự do di chuyển (ở bước tiếp theo). Khi đó, hòn đá sẽ được bao quanh bởi lớp băng mỏng nói trên, một phần tảng đá nhô lên, phần còn lại ngập trong nước.
  • Cuối cùng, khi mặt trời dần xuất hiện, băng sẽ tan chảy và nứt ra thành từng mảng. Những tảng băng sẽ được những cơn gió nhẹ đẩy trôi đi trên bề mặt hồ cạn và đẩy những hòn đá di chuyển theo.

Một điều đáng ngạc nhiên là chuyển động trên khá nhẹ nhàng và không cần phải dùng nhiều lực: Mỗi tấm băng chỉ dày từ 3-5mm, được di chuyển bởi cơn gió có tốc độ 3-5m/s và đẩy những hòn đá đi với tốc độ vài inch mỗi giây. Với tốc độ này, gần như con người không thể nhìn thấy được trừ khi tiến lại thật gần để quan sát kỹ. Jim cho biết: "Có thể, khi khách du lịch đến đây, chuyển động đang xảy ra một cách hết sức tinh tế nhưng vấn đề là họ không cảm nhận được điều đó. Việc nhận ra 1 hòn đá đang chuyển động là khá khó khăn, một phần là do tất cả các hòn đá xung quanh nó cũng đang chuyển động".

Tuy phần lớn bí ẩn đã được giải đáp, nhưng vẫn còn một câu hỏi cần phải giải quyết. Richard cho biết: "Chúng tôi đã ghi nhận lại được 5 lần chuyển động trong thời gian 2 tháng rưỡi tại các khu vực trũng với sự di chuyển của hàng trăm hòn đá. Vì vậy, chúng ta có quyền kết luận rằng những tấm băng nổi chính là động lực mạnh mẽ khiến các hòn đá tại thung lũng chết di chuyển. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa thấy những hòn đá kích thước lớn di chuyển. Phải chăng chúng cũng di chuyển bằng cách này? Những quan sát tiếp tục sẽ được thực hiện để hoàn toàn lý giải câu hỏi cuối cùng trên".

Năm ngoái, các nhà nghiên cứu cho rằng đã tìm thấy một dấu vết của đá trượt trên một hóa thạch dấu chân khủng long cách đây 200 triệu năm. Nhà cổ sinh vật học của Trường đại học Columbia, Mỹ, ông Paul Olsen cùng đồng nghiệp đã trình bày những phát hiện về dấu vết của đường trượt dài giữa những dấu chân khủng long, mà trước đây không mấy ai chú ý. Đây thật sự là một phát hiện có giá trị vì hóa thạch này đã được trưng bày từ năm 1896.


Dấu vết này trên hóa thạch dấu chân khủng long được cho là do một tảng đá trượt tạo ra.

Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu bằng cách nào mà đá trượt có thể di chuyển giữa các bước chân khủng long như vậy và họ cho rằng đây có thể là bằng chứng của một thời kỳ băng giá trong kỷ Jura sớm. Lý giải này cũng phù hợp với lý thuyết cho rằng những tảng đá này di chuyển khi băng hình thành nếu khu vực đó ngập nước. Sau đó các tảng đá trượt trên mặt băng khi băng tan, để lại vệt dài trên bùn, bùn khô đi rắn lại khi nước bay hơi hết.

Thảm vi khuẩn và sóng nước do gió tạo ra cũng có thể làm những tảng đá này dịch chuyển nhưng các nhà nghiên cứu đã loại trừ những nguyên nhân này trong trường hợp đá trượt thời cổ đại. Họ kết luận rằng trượt trên băng chính là cách mà các tảng đá này di chuyển khắp lòng hồ vì các dấu vết trên hóa thạch dấu chân khủng long sẽ không phức tạp như vậy nếu nguyên nhân là do các thảm vi sinh vật gây ra.

Vậy là giờ đây chúng ta đã biết chính băng và gió đã tạo nên điều kỳ diệu này.

Cập nhật: 15/04/2020 Theo Tinh Tế/Dân Trí
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video