Đặt hàng qua thư tín đầu tiên trên thế giới

Ngành công nghiệp mua sắm qua thư tín (mail order) toàn cầu hiện đạt giá trị lên tới hàng chục tỷ USD. Tuy nhiên, ít ai biết rằng nó là phát minh của một thợ vải.

Đầu thế kỷ XIX, thị trấn Newtown bên bờ sông Severn ở xứ Wales – nơi có đất đai cằn cỗi và không phù hợp với việc canh tác mùa màng nhưng lại khá lý tưởng cho sự phát triển của nhiều loài gia súc như cừu – đã vươn lên trở thành một trung tâm công nghiệp vải len lớn nhất Anh Quốc. Tại đây vào năm 1859, người thanh niên Pryce Pryce-Jones (1834 – 1920) đã mở tiệm vải Royal Welsh Warehouse của riêng mình. Jones thừa kế cơ nghiệp từ chủ cũ John Davies, người đã dìu dắt anh từ khi mới 12 tuổi. Đó cũng là năm Newtown bắt đầu có đường sắt.


Một tấm postcard quảng cáo dịch vụ đặt hàng qua thư tín của Pryce Jones. (Ảnh: Northumberland Archives).

Có lẽ trong lúc ngắm nhìn từng đoàn tàu rời đi mỗi ngày, Jones đã nhận thấy cơ hội làm ăn vô cùng tốt. Thay vì chỉ bán sản phẩm tại quầy như các nhà buôn vải khác trong thành phố, anh nghĩ tại sao không để khách tự đặt và giao hàng cho họ thông qua dịch vụ bưu kiện. Đó được xem là lựa chọn tiện lợi nhất cho những người sống tại nơi biệt lập song không muốn mất thời gian và công sức di chuyển vào thành phố. Nghĩ vậy, Jones bắt đầu gửi một vài món hàng mẫu kèm tờ rơi quảng cáo và giá tới các khách hàng trong nước. Ngoài ra, anh còn thuê kho gần tuyến đường sắt và soạn một danh mục (catalogue) sản phẩm.


Ông Pryce Pryce-Jones.

Mô hình kinh doanh này sau đó đã nhanh chóng chứng tỏ hiệu quả và thành công đặc biệt. Nhờ mạng lưới đường sắt không ngừng được mở rộng, Jones có thể bán loại vải flanen nổi tiếng của xứ Wales đi khắp châu Âu, thậm chí tới cả Mỹ và Úc. Để phục vụ một đối tác quan trọng như ông, Công ty Đường sắt London và Đông Bắc Anh (London and North Western Railway Company) đã dành hẳn cho Jones ba toa trên chuyến tàu dọc tuyến Newtown – Euston mỗi ngày. Đầu tiên, hàng sẽ được chất lên xe ngựa, sau đó chuyên chở bằng tàu hỏa. Nhờ đó, ông có thể đảm bảo hầu hết người mua tại mọi vùng trên khắp nước Anh sẽ nhận được hàng ngay hôm sau. Đến năm 1880, số lượng khách hàng của Jones đã lên tới trên 100 ngàn người, trong đó có cả Florence Nightingale (1820 – 1910, nhà thống kê y tế, người góp công định hình vị trí của nghề điều dưỡng viên hiện đại) và Nữ hoàng Victoria (1819 – 1901).

“Florence Nightingale rất thích vải của Jones, và ông còn đặt một loại vải theo tên bà ấy”, nhà sử học John Evans nói với BBC. Trong khi nhiều tư liệu khác cho biết: “Nữ hoàng Victoria đặc biệt ưa chuộng loại quần buộc túm làm bằng vải flanen xứ Wales”. Điều này càng khiến tên tuổi của Jones nổi như cồn. Không ít nhà nghiên cứu nhận định: ông đã thiết lập thành công một đế chế kinh doanh tương tự Amazon ngày nay, nhưng không phải tại Thung lũng Silicon (Califoria) hay một trung tâm thương mại nào khác của thế giới, mà là ở vùng ngoại ô thuộc miền Trung xứ Wales.


Một cuốn catalogue của Pryce Jones. (Ảnh: Bodleian Libraries).

Nhờ làm ăn phát đạt, Jones đã cùng gia đình chuyển tới một dinh thự rộng lớn vào năm 1879. Sau này, nó còn được mở rộng thêm ít nhất hai lần vào năm 1887 và 1904. Cùng năm 1879, ông cho xây dựng lại Royal Welsh Warehouse trên quy mô to đẹp hơn ngay gần ga Newtown. Năm 1895, cùng với nhà máy sản xuất nằm ngay đối diện, Jones còn lập hẳn một bưu cục riêng trước cửa tiệm của mình để tự phục vụ lượng đơn hàng quá lớn. Bên cạnh sản phẩm chủ lực là vải flanen, Jones còn phát minh ra Euklisia Rugmón đồ theo kiểu all-in-one (tất cả trong một) tích hợp mềm, khăn, chăn, gối, chính là tiền thân của túi ngủ (sleeping bag) – và xuất khẩu đi khắp thế giới. Trong số các khách hàng mua Euklisia Rug có cả quân đội Anh Quốc và Nga; ngoài ra, nó còn được binh lính Phổ sử dụng rất nhiều trong cuộc chiến Pháp – Phổ (1870 – 1871, với chiến thắng thuộc về Phổ). Sáng tạo này của Jones đã được cấp bằng phát minh năm 1876. Nhưng ông còn đạt tới tột đỉnh vinh quang khi được Nữ hoàng Victoria phong tước hiệp sĩ (knight) năm 1887. Ngoài ra, ông cũng được bầu làm Nghị sĩ Quốc hội và Quận trưởng vùng Montgomeryshire.

Tiệm vải Royal Welsh Warehouse hiện vẫn còn đó ở Newtown, nhưng không may là con cháu của Jones đã không thể cứu được cơ nghiệp suy tàn. Thực ra ngay từ cuối thế kỷ XIX, các nhà máy vải len tại đây đã bắt đầu gặp nhiều khó khăn do thiếu than để hoạt động (chi phí vận chuyển than từ nơi khác tới rất đắt) khiến vải đắt và kém cạnh tranh hơn. Năm 1912, Cambrian Mills – nhà máy vải len lớn nhất Newtown – đóng cửa sau khi bị một đám cháy thiêu rụi. Kể từ đó, nơi này đã không còn giữ được vị thế trung tâm của ngành công nghiệp vải len; nhiều công nhân bỏ đi tìm việc ở nơi khác. Tác động của thời Đại suy thoái (Great Depression) trong thập niên 1920 lại càng nghiêm trọng, khiến Royal Welsh Warehouse phải bán mình cho một doanh nghiệp khác tại Liverpool năm 1938 – ngay trước thềm Thế chiến II.

Mặc dù vậy, không ai có thể phủ nhận và đánh giá thấp tầm ảnh hưởng của Jones. Ý tưởng của ông thực sự đã tạo nên một cuộc cách mạng trong lĩnh vực mua sắm, khiến việc tiếp cận các mặt hàng trở nên dễ dàng hơn bởi mọi người ở bất cứ đâu trên thế giới.

Cập nhật: 28/01/2021 Theo KHPT
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video