Dấu hiệu sùi mào gà và cách phòng trị

Liệu có lây bệnh truyền nhiễm khi đi nhà vệ sinh công cộng?

Thời gian ủ bệnh 3 tuần đến 8 tháng kể từ khi nhiễm virus HPV mới xuất hiện triệu chứng nốt sùi, chủ yếu ở vùng sinh dục.

Theo bác sĩ Trà Anh Duy, sùi mào gà hay còn gọi bệnh mồng gà, mụn cóc sinh dục, thường xuất hiện tại cơ quan sinh dục nam giới và phụ nữ do virus HPV gây ra. Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh sùi mào gà, được chia làm 3 nhóm:

  • Quan hệ tình dục không an toàn: Bệnh lây qua giao hợp nam nữ thông thường, quan hệ bằng miệng, quan hệ qua hậu môn. Nhiều người cho rằng quan hệ bằng miệng sẽ không lo mắc bệnh nhưng thực tế virus HPV có ở cả cơ quan sinh dục, máu, tuyến nước bọt, các dịch nhầy của người bệnh.
  • Từ mẹ sang con: Nữ giới bị bệnh sùi mào gà trong thời kỳ mang thai có thể lây cho thai nhi ngay từ khi còn trong bụng mẹ thông qua cuống rốn, nước ối hoặc lúc chuyển dạ, khi trẻ đã được sinh ra, tiếp xúc với máu, dịch sản hoặc do bú sữa mẹ sau này.
  • Virus sùi mào gà tồn tại trong dịch nhờn chảy ra từ các mụn sùi mào gà nên khi có sự tiếp xúc thân mật như ôm, hôn, dùng chung đồ dùng cá nhân như bàn chải đánh răng, quần lót, tắm chung bồn… hoặc vô tình cọ vùng da hở của mình vào các dịch này cũng làm lây nhiễm bệnh. Tuy nhiên trường hợp này thường khá hiếm gặp, chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong số các ca lây nhiễm sùi mào gà.

Bác sĩ Duy cho biết, thời gian ủ bệnh của sùi mào gà thường là 3 tuần đến 8 tháng. Virus sùi mào gà có các biểu hiện không hoàn toàn như nhau trên cơ thể nam và nữ giới. Thông thường bệnh sớm có các triệu chứng điển hình ở nam giới, do vậy việc điều trị nhanh chóng mang lại kết quả tốt. Với nữ giới bệnh thường có diễn biến khá âm thầm cho đến khi tình trạng nặng người bệnh mới phát hiện ra.


Thời gian ủ bệnh của sùi mào gà thường là 3 tuần đến 8 tháng. (Ảnh: Condyloma acuminatum).

Triệu chứng sùi mào gà ở nam giới

Bề mặt các nốt sùi mào gà ẩm ướt, ấn vào thấy có mủ chảy ra, dễ bị chảy máu, tổn thương. Trên thân dương vật xuất hiện các mụn mọc đơn lẻ, nhô cao như những nhú gai, màu hồng, có chân hoặc cuống, không có cảm giác ngứa ngáy, đau hay khó chịu. Các nốt mụn mọc nhiều dần lên rồi liên kết với nhau thành các mảng to có đường kính khoảng vài cm, trông như mào con gà hay cái súp lơ.

Nốt sùi mào gà có thể lan ra xung quanh cơ quan sinh dục như vùng dưới bìu, xung quanh lỗ hậu môn, bên trong lỗ hậu môn, lỗ sáo, bao quy đầu, các nếp gấp bẹn… Một số trường hợp nốt sùi mào gà có thể to bằng nắm tay, tiết ra dịch và máu có mùi hôi thối, tanh.

Triệu chứng sùi mào gà ở nữ

Do cấu tạo cơ quan sinh dục của nữ giới khá phức tạp nên bệnh thường khó phát hiện cũng như việc điều trị khó khăn hơn. Một số triệu chứng để nhận biết là:

  • Các biểu hiện đầu tiên thường là trên môi lớn, môi bé, âm đạo, khu vực âm hộ, quanh lỗ hậu môn, lỗ tiểu, tầng sinh môn, màng trinh, cổ tử cung… xuất hiện các u nhú màu hồng tươi hoặc trắng đục, mềm. Chúng mọc tập trung thành mảng lớn trông như cái súp lơ, không gây đau hay ngứa nhưng dễ bị chảy máu.
  • Khi quan hệ tình dục hay các tiếp xúc khác, nốt sùi mào gà dễ bị vỡ gây chảy máu, nhiễm trùng, tổn thương tại các điểm trên. Người bệnh mệt mỏi toàn thân, chán ăn, sút cân, đau rát khi quan hệ tình dục, giảm ham muốn tình dục.
  • Ngoài các triệu chứng điển hình trên, bệnh sùi mào gà còn xuất hiện ở miệng khi quan hệ tình dục không an toàn bằng đường miệng, ở mắt, các ngón tay, ngón chân. Khi đó xuất hiện các nốt màu hồng trông gần giống mụn cóc, mọc liền kề với nhau thành từng cụm lớn. Bệnh sùi mào gà ở miệng rất dễ bị nhầm lẫn với bệnh nhiệt miệng, viêm họng nên cần cảnh giác.

Chẩn đoán sùi mào gà

Tổn thương sùi mào gà rất đặc hiệu, do vậy chẩn đoán chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng, nghĩa là dựa trên thăm hỏi về tiền sử tiếp xúc với nguồn bệnh và quan sát những sang thương đặc trưng. Nữ bị sùi mào gà cổ tử cung cần phải làm xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung định kỳ hàng năm hoặc các xét nghiệm khác để phát hiện sớm loạn sản, ung thư.


Tổn thương sùi mào gà rất đặc hiệu, do vậy chẩn đoán chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng.

Phương pháp điều trị sùi mào gà

Sùi mào gà hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người bệnh có thể mang bệnh suốt đời ở tình trạng có biểu hiện triệu chứng hoặc không triệu chứng. Điều trị bao gồm 3 nhóm phương pháp chính, chỉ có tác dụng làm giảm triệu chứng hoặc loại trừ thương tổn mà không diệt được HPV.

  • Dùng thuốc bên ngoài: Nốt sùi mào gà còn nhỏ, độc lập và mọc ở khu vực bên ngoài người bệnh có thể điều trị bằng cách chấm các dung dịch như acid Trichloaxetic 80-90%, dung dịch Podophyllotoxine 20-25% hoặc Imiquimod 5% trực tiếp lên vết thương định kỳ. Không bôi dung dịch lên các niêm mạc như bên trong âm đạo, cổ tử cung vì có thể gây bỏng niêm mạc.
  • Các biện pháp vật lý như đốt lạnh nitơ lỏng, đốt điện, đốt laser CO2… có thể tiêu diệt được các nốt sùi mào gà mọc sâu bên trong.
  • Phẫu thuật cắt bỏ hoặc nạo khối sùi mào gà được sử dụng trong trường hợp sùi lớn và lan tỏa.

Phòng tránh sùi mào gà

  • Cách tốt nhất là quan hệ tình dục chung thủy với một vợ, một chồng.
  • Tránh quan hệ tình dục với những người mà bạn không biết rõ về tình trạng sức khỏe. Luôn sử dụng bao cao su đúng cách trong quan hệ tình dục. Mặc dù bao cao su không bảo vệ được 100% song đây là một phương pháp hiệu quả giảm nguy cơ mắc bệnh tình dục.
  • Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đặc biệt là bộ phận sinh dục rửa bằng xà phòng trước và sau khi quan hệ.
  • Khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện ra bệnh.
  • Khám và kiểm tra sớm nếu có những triệu chứng, biểu hiện nghi ngờ.

Liệu có lây bệnh truyền nhiễm khi đi nhà vệ sinh công cộng?

Bồn cầu là nơi trú ngụ của rất nhiều loại vi khuẩn, nhất là những nơi công cộng không được làm sạch, khử trùng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật.

Tuy nhiên, hầu hết bệnh truyền nhiễm đường tình dục như HIV, giang mai, lậu... đều lây truyền qua sự tiếp xúc trực tiếp giữa cơ quan sinh dục và các dịch tiết sinh dục như tinh dịch và dịch tiết âm đạo khi quan hệ. Chỉ khi vi khuẩn, virus truyền trực tiếp từ bệ toilet sang đường sinh dục hoặc qua vết thương hở hay trầy xước mới có thể gây bệnh. Do đó, việc tiếp xúc đơn thuần ngoài da tại các nhà vệ sinh công cộng không dẫn đến mắc các bệnh này.

Riêng bệnh sùi mào gà do virus HPV lại là một ngoại lệ. HPV chủ yếu lây truyền thông qua các tiếp xúc sinh hoạt tình dục. Song, có nhiều bằng chứng y học chứng minh virus HPV có thể lây truyền qua tiếp xúc da đơn thuần.

Virus HPV có thể tồn tại nhiều ngày ở các kẽ ngón tay, móng tay, hay các bề mặt tiếp xúc công cộng khác. Bệnh có thể lây qua tiếp xúc ví dụ qua da tay, chân, tay nắm cửa nhà vệ sinh. Như vậy, dù rất hiếm gặp, sùi mào gà có thể lây nhiễm qua đường tiếp xúc khi đi vệ sinh không rửa tay, qua bồn cầu, tay nắm cửa...

Trường hợp quan hệ tình dục bằng tay, miệng cũng tiềm ẩn nguy cơ lây truyền HPV. Thực tế, bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp sùi mào gà ở thanh quản và cổ họng do lây truyền HPV khi quan hệ đường miệng không an toàn. Đặc biệt, virus HPV có thể lây cho người khác ngay cả khi người nhiễm virus này không có biểu hiện dấu hiệu hay triệu chứng gì.

Để hạn chế nguy cơ lây nhiễm, bạn nên giữ vệ sinh sạch sẽ, sau khi đi vệ sinh nên lau rửa tay và mang theo nước rửa tay kháng khuẩn. Khi đi vệ sinh, bạn có thể đặt giấy lên miệng bồn cầu hoặc lau bằng khăn kháng khuẩn trước khi dùng. Không nên lo lắng thái quá song không được chủ quan. Khi có vấn đề về sức khỏe, bạn nên đi khám sớm để được điều trị dứt điểm, tránh biến chứng lâu dài. (Theo Thạc sĩ, bác sĩ Phan Chí Thành, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương).

Cập nhật: 27/07/2024 Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video